Việc công nhân không thể trở lại các nhà máy như Foxconn có thể làm thiếu nguồn cung phụ kiện công nghệ, điện tử trên toàn cầu.

Doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt

Đầu tháng 2, sau kỳ nghỉ dài của Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn đang hoạt động đã tuyên bố tạm thời đóng cửa toàn bộ văn phòng, cửa hàng, nhà máy sản xuất trên khắp Trung Quốc bởi đại dịch corona.

Một số cái tên hàng đầu có thể nhắc đến như Apple, Samsung, Microsoft, Tesla và Google (Google đã đóng cửa văn phòng ở Hồng Kông và Đài Loan gần đó). Trong đó, hầu hết doanh nghiệp trên cho biết việc đóng cửa dự kiến kéo dài đến chủ nhật (9/2), tuy nhiên một số công ty cũng chưa xác định khi nào sẽ mở cửa trở lại.

Phó Chủ tịch cấp cao của Apple bà Deirdre O’Brien viết trong một email nội bộ rằng, dự kiến các văn phòng có thể mở cửa trở lại trong tuần tới, các cửa hàng bán lẻ vẫn còn đang được xem xét khả năng mở cửa trở lại. Bloomberg cho biết, có thể muộn nhất vào ngày 15/2 tới các cửa hàng này sẽ hoạt động bình thường, điều này còn phụ thuộc vào lệnh hạn chế tụ tập đông người nơi công cộng và đảm bảo việc kiểm tra y tế.

Amazon chưa tuyên bố đóng cửa văn phòng tại Bắc Kinh, Thâm Quyến, Thượng Hải và Quảng Châu (công ty này không có văn phòng tại Vũ Hán). Nhân viên đi du lịch trong và ngoài Trung Quốc cũng được khuyên nên làm việc tại nhà trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi trở lại văn phòng.

Mặc dù Facebook không có văn phòng tại Trung Quốc, nhưng họ cũng phát cảnh báo nhân viên không nên đến Trung Quốc trong thời gian này nếu không thật sự cần thiết. LG và Razer cũng đã khuyên tương tự.

Chậm trễ nguồn cung

Việc đóng cửa các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung các bộ phận, thiết bị công nghệ trên toàn cầu, bởi nơi đây là công xưởng của thế giới. Các chuyên gia cảnh báo, sẽ có sự thiếu hụt nguồn cung đối với một số mặt hàng như tai nghe, kính thực tế ảo VR, xe hơi và các phụ kiện công nghệ khác.

Nhất là khi hai nhà máy sản xuất lượng lớn thiết bị công nghệ đang bị đóng cửa là Foxconn và Pegatron do công nhân không thể tiếp tục công việc. Trong khi đó, đây lại là hai nhà máy sản xuất chịu trách nhiệm cho gần như tất cả iPhone trên toàn cầu. Như vậy, việc sản xuất những chiếc iPhone, AirPods mới chắc chắn sẽ bị trì hoãn.

Chẳng hạn, việc đóng cửa Foxconn và Pegatron ở Trung Quốc, dự kiến sẽ có khả năng trì hoãn việc sản xuất iPhone và AirPods vì công nhân nhà máy không thể tiếp tục công việc. (Hai nhà máy sản xuất chịu trách nhiệm cho gần như tất cả các iPhone trên thế giới.)

Facebook cũng đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới cho tai nghe Oculus Quest VR mới nhất của mình, với lý do sự bùng phát dịch coronavirus. Đối với những người hâm mộ trò chơi ROG Phone II, Asus cũng đã cảnh báo khách hàng rằng thiết bị sẽ không có sẵn cho đến khi có thông báo mới.

Do việc đóng cửa nhà máy, hãng công nghệ Tesla cũng cho biết do ảnh hưởng hưởng của virus corona nên việc giao mẫu xe mới Model 3 sẽ bị trì hoãn. Thời gian trì hoãn được công ty dự đoán trong khoảng 1-1 tuần rưỡi.

Bên cạnh các doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc cũng chịu chung hoàn cảnh. Các thương hiệu như Oppo, Xiaomi, Lenovo và Huawei việc sản xuất cũng bị chậm trễ theo virus corona. Đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc nguồn cung từ Hồ Bắc sẽ chịu tác động lớn nhất, nhà máy của các doanh nghiệp chắc chắn không thể hoạt động 100% công suất.

Các sự kiện công nghệ bị “vạ lây”

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh virus corona, hội nghị Mobile World Congress (MWC) sắp diễn ra tại Barcelona có thể sẽ lâm vào cảnh đìu hiu. Viện dẫn những rủi ro tiềm ẩn có thể bùng phát dịch, các thương hiệu như Nvidia, LG Electronics, ZTE và Ericsson đều xin rút khỏi sự kiện.

Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng dịch bệnh virus corona lên tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, nhưng các hội nghị toàn cầu như MWC không nhất thiết phải bị hủy bỏ. Bởi hiện không có bằng chứng nào cho thấy rằng có sự lây lan cộng đồng tại châu Âu, vì vậy WHO hiện không yêu cầu các cuộc tụ họp lớn bị hủy bỏ, một phát ngôn viên của WHO cho biết.