Với các nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, họ đang hy vọng rằng điều tồi tệ nhất đã qua. Một số nhà bán lẻ đang lạc quan rằng doanh nghiệp của họ sẽ phục hồi một cách nhanh chóng, có thể không phải trong quý ba nhưng cũng sẽ không lâu hơn quý tư năm nay. Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia phân tích dữ liệu thị trường, điều này có thể là “lạc quan tếu”.

Ngành bán lẻ toàn cầu dường như vẫn chưa thoát ra khỏi sự suy thoái trầm trọng từ đại dịch COVID-19.

Làn sóng “cửa đóng then cài”

Trong một báo cáo từ UBS, ngân hàng của Thụy Sỹ, trong vòng năm năm tới, ít nhất sẽ có gấp ba lần số lượng các nhà bán lẻ sẽ phải đóng cửa so với số nhà bán lẻ bị đóng cửa trong cuộc suy thoái kinh tế vừa qua. Con số đó rơi vào khoảng hơn 100.000 cửa hàng bán lẻ sẽ bị đóng cửa.

Ít nhất sẽ có khoảng hơn 100.000 cửa hàng bán lẻ sẽ bị đóng cửa vào năm 2025.

Quay trở lại thời gian trong vòng 20 năm qua, năm tồi tệ nhất đối với các nhà bán lẻ là 2009 khi có đến 2% số lượng cửa hàng bắt buộc đóng cửa. Tờ Wall Street Journal đưa ra dự báo, từ bây giờ cho đến năm 2025, ít nhất mỗi năm cũng sẽ có đến 2% số cửa hàng bắt buộc phải ngưng hoạt động.

Coresight Reseach, hãng tư vấn bán lẻ và công nghệ Mỹ, báo cáo trong một khảo sát, chỉ tính riêng  nước Mỹ, ít nhất có khoảng 20.000 đến 25.000 cửa hàng của các nhà bán lẻ lớn đóng cửa trong năm nay, nhiều hơn gấp đôi so với con số hơn 9000 năm ngoái. Ngoài ra, Coresight cũng cho rằng, có đến 55-60% các cửa hàng đóng cửa là các trung tâm thương mại, điều này càng gây thêm căng thẳng cho lĩnh vực bán lẻ vốn gặp nhiều khó khăn.

Và các nhà bán lẻ đang thực hiện một sự “rút lui trong lặng lẽ”. JCP vừa đưa ra thông báo rằng họ sẽ đóng 242 địa điểm trong số 846 cửa hàng hiện tại như một phần trong kế hoạch tái tổ chức phá sản. Macy sẽ đóng 125 cửa hàng trong ba năm tới tương đương với một phần năm địa điểm của hãng. Nordstrom sẽ đóng cửa 16 trong số 116 cửa hàng của mình và Lord & Taylor sẽ thanh lý tất cả 38 cửa hàng của mình ngay khi mở cửa trở lại sau một thời gian dài ngừng hoạt động.

Thương mại điện tử là “cứu cánh” cho các nhà bán lẻ?

Tất cả những nhà bán lẻ truyền thống đang phải có sự chuẩn bị cho việc chuyển đổi nhanh chóng sang thương mại điện tử. UBS dự kiến bán lẻ thương mại điện tử sẽ chiếm 25% tổng doanh số bán lẻ vào năm 2025, tăng từ 15% vào năm ngoái. Tuy nhiên, việc thay đổi đường hướng kinh doanh từ trực tiếp sang thương mại điện tử cũng sẽ không thể bù đắp cho những mất mát bán lẻ trong năm 2020.

Euromonitor, một tập đoàn nghiên cứu thị trường quốc tế, tổ chức được thành lập vào năm 1972 với trụ sở chính tại London đưa ra dự đoán rằng doanh số bán lẻ của Mỹ sẽ giảm xuống 6,5% vào năm 2020 và có thể không phục hồi cho đến ít nhất năm 2022. eMarketer ước tính các mức giảm sẽ còn lớn hơn nữa, ít nhất là 10,5%.

Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã gây ra một “cú sốc” thực sự với các nhà bán lẻ, một số đang nộp đơn xin bảo hộ phá sản, một số đang trông chờ vào sự cứu trợ của các chính phủ. Tuy nhiên, trong bức tranh ảm đạm từ ngành bán lẻ, với một số nhà bán lẻ lớn, mọi thứ không tệ đến thế, tất cả đều nhờ vào doanh số bán hàng trực tuyến của họ.

Một phân tích từ Chris Walton đã phát hiện ra rằng bốn nhà bán lẻ lớn có thể duy trì mức doanh số cao đáng kể trong thời gian ngừng hoạt động vừa qua, hầu hết chỉ bằng con đường thông qua thương mại điện tử. Cụ thể, vào cuối tháng 3 đến tháng 4, con số này ở Best Buy là 70% doanh số bán hàng của hãng, Nordstrom khoảng 65%, Gap gần 60% và Kohl là khoảng 55%.

Và theo một nghiên cứu từ Coresight Research được thực hiện vào cuối tháng năm vừa qua, khảo sát với người tiêu dùng để cung cấp các dấu hiệu hỗ trợ cho các nhà bán lẻ, đã phát hiện ra rằng, ít nhất có khoảng một nửa số người tiêu dùng mong đợi mức chi tiêu của họ sẽ trở lại như thời gian trước đại dịch trong vòng năm đến sáu tháng tới.

Nguyễn Chuẩn