Báo cáo “Ngành bán lẻ Việt Nam: Chuyển dịch nhanh sang mô hình bán hàng đa kênh” của Deloitte Việt Nam cũng khuyến nghị: Các nhà bán lẻ nên tận dụng động lực này để thúc đẩy mở rộng và tăng tỷ lệ thâm nhập khi chúng ta bước vào thế giới hậu COVID-19.

Báo cáo mới đây của Vietnam Report cho thấy, tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ của Việt Nam luôn duy trì ở mức cao, khoảng 10%/năm, giá trị thị trường bán lẻ ước đạt khoảng 160 tỷ USD năm 2020.

Chia sẻ về thay đổi ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam sau đại dịch, ông Vũ Ðức Nguyên, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam phụ trách ngành hàng tiêu dùng, cho biết: khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, người tiêu dùng ngay lập tức thay đổi các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng: từ “thuận tiện” sang “an toàn”, từ “cân nhắc về giá cả” sang “tình trạng có sẵn của hàng hóa”, từ “mong muốn” sang “nhu cầu thiết yếu”.

“Với các ưu tiên thay đổi, khách hàng tìm mua các sản phẩm ở tất cả các kênh bán hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ có thể tận dụng đại dịch này như một cơ hội, biến nguy thành cơ, nhanh chóng mở rộng và tăng cường bán hàng đa kênh”, ông Nguyên nói.

Mô hình đa kênh (omnichannel) bao gồm các kênh online (website, Facebook, Zalo…) và các kênh offline (trực tiếp tại các cửa hàng, đại lý…) được tích hợp đồng bộ vào một hệ thống, giúp thương hiệu tương tác với người tiêu dùng mọi lúc mọi nơi, trên mọi thiết bị công nghệ và nền tảng để hành trình mua sắm của người tiêu dùng không bị gián đoạn.

Ngược lại, quyết định mua hàng hoặc sự hài lòng của người tiêu dùng càng mãnh liệt hơn sau mỗi lần chuyển kênh.

Cùng quan điểm, CBRE Việt Nam nhận định, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến lưu lượng khách trực tiếp, nhưng đồng thời tạo ra nhiều cơ hội để tăng trưởng tích cực cho các mô hình vừa và nhỏ như cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc và đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử.

” Sự bùng phát của Covid-19 đã thúc đẩy sự thay đổi căn bản đối với ngành bán lẻ. Hơn 50% người tiêu dùng Việt Nam giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ, trong khi 25% trong số đó đã mua sắm trực tuyến.

Thương mại điện tử là một điểm sáng và đang biến đổi để hỗ trợ các cửa hàng vật lý trong thời gian dịch bệnh diễn ra. Bán hàng đa kênh sẽ linh hoạt hơn và thậm chí có thể vượt trội hơn sau dịch.

Dành trung bình 6 giờ 42 phút mỗi ngày dùng internet, người tiêu dùng Việt Nam – đặc biệt là người tiêu dùng trẻ ở thành thị quen thuộc với công nghệ kỹ thuật số và lối sống hiện đại, bận rộn – đã khá quen thuộc với thương mại điện tử.

Tuy nhiên, mặc dù thương mại điện tử có sự phát triển nhanh chóng, bán lẻ truyền thống vẫn có chỗ đứng nhất định. Khảo sát của Vietnam Report năm 2019 cho thấy, có đến 98% số doanh nghiệp bán lẻ cho biết, gần như toàn bộ doanh thu đến từ các cửa hàng, đại lý, chỉ có khoảng 2% đến từ bán hàng qua kênh thương mại điện tử.

Trở lại với báo cáo Deloitte Việt Nam, xu hướng tương tự cũng được quan sát khi so sánh dữ liệu doanh số bán lẻ qua kênh bán hàng tại cửa hàng và kênh bán hàng không qua cửa hàng, trong đó doanh số bán hàng tại cửa hàng chiếm khoảng 97% tổng doanh số bán lẻ và bán hàng không qua cửa hàng (bao gồm cả thương mại điện tử) chỉ đóng góp khoảng 3%.

Các nhà bán lẻ điện tử lớn đã mở rộng quy mô cửa hàng của họ ngay cả khi lo ngại thị trường đã phần nào bão hòa, đặc biệt là với các thiết bị di động. Công ty cổ phần Thế giới Di động (MWG) vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với 50% thị phần trong phân khúc điện thoại di động, tiếp theo là FPT Retail (FRT) với 18% thị phần. MWG cũng nắm giữ phân nửa thị phần trong phân khúc bán lẻ điện máy.

Vì vậy, các nhà bán lẻ buộc phải theo xu hướng đa kênh, theo đó, người tiêu dùng vẫn có thể tham khảo và thử trực tiếp tại các cửa hàng vật lý nhưng thực hiện giao dịch mua hàng trực tuyến để hưởng lợi từ ưu đãi.

Ngược lại, người tiêu dùng cũng có thể tham khảo mức giá và mẫu mã thông qua website/ứng dụng của đơn vị bán lẻ nhưng thực hiện giao dịch mua sắm tại cửa hàng.

Do đó, bán hàng đa kênh đang trở thành xu hướng hiệu quả và tất yếu đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường bán lẻ.

Ngọc Linh