Sau thời gian dài gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng, mới đây các doanh nghiệp bất động sản đã liên tục chứng kiến những thương vụ trợ vốn từ ngân hàng.
Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty TTC Land đã ký Hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho Dự án cao ốc phức hợp TTC Plaza Đà Nẵng, có quy mô gần 300 căn hộ du lịch và phòng khách sạn và hơn 30.000m2 sàn văn phòng cho thuê.
Ngân hàng “thoáng” hơn trong cấp vốn
Tương tự, VietinBank cũng ký kết hợp tác với Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Khởi Thành để giúp doanh nghiệp trả nợ vốn cho người mua nhà dự án Paris Hoàng Kim, đồng thời mở bán giai đoạn tiếp theo của dự án này. Dự án có vị trí tại khu vực TP.Thủ Đức, đã hoàn thiện và chuẩn bị bàn giao cho cư dân vào ở.
Bên cạnh đó, cuối tháng 11 vừa qua, Công ty Bất động sản Phát Đạt cũng được cấp gói tín dụng hơn 6.000 tỷ đồng từ MBBank, nhằm hỗ trợ chủ đầu tư và khách hàng mua sản phẩm tại hai dự án khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và 2 (tỉnh Bình Dương). Hai dự án này có tổng mức đầu tư lên đến hơn 10.800 tỷ đồng, và dự kiến sẽ bắt đầu triển khai từ đầu năm 2024.
Theo ông Bùi Quang Anh Vũ – Tổng Giám đốc Phát Đạt cho rằng, việc nhận được gói tín dụng từ MBBank là một bước tiến quan trọng, giúp Phát Đạt nâng cao tiềm lực tài chính và đảm bảo tiến độ xây dựng cũng như bàn giao dự án. Ngoài ra, việc được bảo lãnh bởi MBBank cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc sở hữu các sản phẩm và tối ưu hóa lợi ích đầu tư.
Sau nhiều lần gặp khó khăn và liên tục đưa ra các kiến nghị gỡ vướng, Novaland đã hợp tác với VPBank để tái khởi động dự án Aqua City tại Đồng Nai. Theo thỏa thuận, VPBank sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho chủ đầu tư và các nhà thầu để thi công phân khu River Park 2 cùng 2 phân khu thuộc đảo Phượng Hoàng. Đây được xem là “phao cứu sinh” giúp Novaland và dự án vượt qua khó khăn tài chính trong thời gian dài.
Kỳ vọng thị trường địa ốc khởi sắc
Thời gian qua những đối tác lớn của ngân hàng thường là các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng đã hạ lãi suất cho vay đối với cá nhân và doanh nghiệp trong ngành bất động sản. Đặc biệt, Chính phủ đã có những chỉ đạo đối với ngân hàng về giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong bối cảnh những vướng mắc cho thị trường đang dần được quan tâm tháo gỡ, động thái của các ngân hàng nhằm mở rộng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản hứa hẹn sẽ đem lại nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng, từ những động thái này sẽ giúp thị trường bất động sản khởi sắc hơn trong năm 2024.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, doanh nghiệp địa ốc vừa là đối tác, vừa là khách hàng của ngân hàng. Hơn nữa, người mua nhà của các dự án bất động sản cũng là khách hàng của ngân hàng. Do đó, ngoài việc kinh doanh về mặt tín dụng thì bất động sản là lĩnh vực quan trọng ngân hàng nhắm tới.
Việc gia tăng liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản cho thấy sự kỳ vọng vào lợi nhuận của thị trường này từ phía ngân hàng. Đó cũng là xu hướng dễ hiểu khi khủng hoảng bất động sản đang dần đi qua, trong khi lượng tiền trong ngân hàng còn khá nhiều.
Dù chưa thể khẳng định chính xác về sự khởi sắc của thị trường bất động sản sau những cú “bắt tay” này, tuy nhiên, khi các dự án có đủ tài chính để triển khai xây dựng, doanh nghiệp chắc chắn sẽ có nguồn cung ra thị trường. Điều này giúp mở rộng cơ hội mua nhà cho người dân. Hoặc đây sẽ là yếu tố giúp doanh nghiệp địa ốc tiếp tục phát triển và vượt qua thách thức.
Nhận định về thị trường trong năm tới, TS.Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, dòng vốn cho các thị trường đầu tư đang có những chuyển biến tích cực trong cuối năm, dù vậy vẫn còn những “điểm tối”. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần tiếp tục đưa ra các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc đúng và trúng, kèm giải pháp. Đồng thời, quyết tâm cơ cấu lại, chấp nhận giảm giá bán, đa dạng hóa nguồn vốn để giảm bớt rủi ro.
Vi Anh