Trong hội nghị đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mới đây, NHNN đã đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế, trong đó việc khôi phục thị trường bất động sản là vấn đề được quan tâm.
Khó khăn về tín dụng
Trong đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bắt đầu được triển khai từ tháng 4/2023 từng được kỳ vọng sẽ mở van dòng vốn để giúp thị trường khởi sắc hơn.
Tuy nhiên, tính đến hết quý I/2024, gói tín dụng này mới chỉ giải ngân được 0,5%. Theo Bộ Xây dựng, hiện các ngân hàng mới chỉ cam kết cấp tín dụng cho 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương với số vốn khoảng 640 tỷ đồng, tương đương 0,5% gói tín dụng.
Bộ Xây dựng cho biết, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước có 75 dự án hoàn thành với quy mô 39.884 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng 128 dự án với quy mô 115.379 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 300 dự án với quy mô 262.937 căn.
Kết quả này so với mục tiêu đề ra vẫn còn thấp, một phần vì tắc nghẽn trong tín dụng của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trước thực trạng này, tại Nghị quyết số 93/NQ-CP Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng, NHNN và các địa phương rà soát, đánh giá kỹ nguyên nhân chậm giải ngân gói này.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng có tiến độ giải ngân còn chậm. Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này bao gồm việc nhiều địa phương chưa công bố đầy đủ danh mục dự án đủ điều kiện vay, nhiều chủ đầu tư không đủ điều kiện về tín dụng và mức lãi suất vẫn còn cao.
Hiện nay, mức lãi suất ưu đãi của gói vay này rơi vào khoảng 8%/năm với chủ đầu tư và 7,5%/năm với người mua nhà. Nhìn sang gói tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, mức lãi suất cho người vay mua nhà ở xã hội chỉ khoảng 4,8%/năm.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp
Để tháo gỡ các nút thắt, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, bất động sản là một lĩnh vực rất được quan tâm.
Cụ thể, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Trong đó, lĩnh vực bất động sản, các dự án hạ tầng giao thông, các ngành vật liệu xây dựng cũng nằm trong nhóm được chú trọng, bao gồm cả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội.
Liên quan tới gói tín dụng này, các ngân hàng thương mại cũng đã được khuyến khích tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và mở các room tín dụng tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện.
Tại họp báo thường kỳ quý II/2024, ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đang đề nghị NHNN nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo dự báo của các chuyên gia, tín dụng bất động sản sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Một trong những động lực là sự hỗ trợ về lãi suất, pháp lý, đặc biệt sau khi các bộ luật mới về bất động sản có hiệu lực. Mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp được cho sẽ kích thích nhu cầu vay của doanh nghiệp bất động sản cũng như nhà đầu tư/người mua nhà.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, dòng tín dụng sẽ không chảy “ồ ạt” vào thị trường bất động sản mà có sự phân hóa về khả năng tiếp cận vốn giữa các phân khúc và doanh nghiệp trên thị trường. Theo đó, tín dụng sẽ tập trung vào phân khúc bất động sản nhà ở phục vụ nhu cầu ở thực và xây dựng hạ tầng giao thông, qua đó tạo lực đẩy bền vững cho thị trường.
Vi Anh