Theo quy định cấp room tín dụng, NHNN tạm thời không hạn chế room này bao gồm các nghiệp vụ ngoài cho vay.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP chia sẻ: Nếu một doanh nghiệp A có nhu cầu vay vốn ngân hàng, thì có thể lựa chọn theo mục đích, như vay vốn ngắn hạn bổ sung lưu động, vay vốn trung dài hạn, tài trợ chuỗi cung ứng… Song nếu doanh nghiệp đạt được tiêu chí để xét sử dụng các dịch vụ ngoài tín dụng như tài trợ thương mại, bảo lãnh… thì ngân hàng có thể linh hoạt cung cấp vốn cho khách hàng không qua “cửa” tín dụng.
Theo vị này thì hiện tại, ngân hàng của ông được cấp room tăng trưởng cho vay 4%, mức cao nhất tính theo quý 1 phân bổ trên toàn hệ thống và đã sử dụng hết room từ đầu tháng 3. Sẽ có rất nhiều tình huống phát sinh của khách hàng cũ, mới, cần được ngân hàng hỗ trợ tiếp tín dụng nên sẽ phải có hướng “xử lý”. Cách đơn giản nhất là tài trợ qua trái phiếu doanh nghiệp phát hành – tuy được tính vào tín dụng nhưng không tính vào tăng trưởng cho vay.
Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính, cho rằng nếu NHNN không sớm công bố và phân bổ room tín dụng cả năm cho các NHTM, có thể ngoài trái phiếu, các hoạt động bảo lãnh sẽ được phát huy nhộn nhịp để thúc đẩy khả năng thanh toán, chi trả cùng đối tác của doanh nghiệp. Ngân hàng cũng có cơ hội giải ngân và tăng thu phí dịch vụ theo kiểu “một công đôi việc”.
“Hoạt động này sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng, song sẽ tăng thời gian, chi phí tiếp cận vốn của doanh nghiệp hơn so với sử dụng tín dụng trực tiếp”, ông Hoàn nhận xét và khuyến nghị: Về lâu dài, vẫn nên để thị trường tự xác định nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế, nhất là khi tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng hiện nay chưa thực sự tốt, và NHNN có thể quản lý trên các giới hạn an toàn. Điều đó sẽ giúp các tổ chức tín dụng phát huy được điều kiện, năng lực của mình trong tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống.
Thuận Hóa