Lãnh đạo các nước thành viên SCO tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 23 dưới hình thức trực tuyến ngày 4/7.

Mặc dù ban đầu khối tập trung vào vấn đề an ninh, nhưng tình hình hiện tại và tác động của chiến sự Nga – Ukraine đã thúc đẩy các nỗ lực thúc đẩy vai trò kinh tế của khối.

Theo bà Ilayda Nijhar, nhà phân tích rủi ro toàn cầu tại ODI, bằng cách kết nạp Iran trở thành thành viên chính thức và đang xem xét để đưa Belarus vào, SCO đã “gửi một tín hiệu” tới thế giới rằng có những lựa chọn để tăng cường hội nhập Á-Âu sâu hơn và chống lại trật tự tự do của phương Tây.

Bà Nijhar cho biết thêm: “Chúng ta đang chứng kiến SCO ngày càng được ưa chuộng ở các khu vực khác nhau trên thế giới… Về mặt địa chính trị, Trung Quốc và Nga đang tìm cách chơi trò chơi lâu dài với phương Tây”.

Trung Quốc và Nga thành lập SCO vào năm 2001 với các nước cộng hòa Trung Á, như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Ấn Độ và Pakistan tham gia vào năm 2017. Iran tham gia năm nay và Belarus, một quốc gia khác đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, dự kiến sẽ tham gia vào năm tới.

Các quốc gia thành viên SCO cũng có thể mời các “đối tác đối thoại” tham gia vào các cuộc thảo luận chuyên ngành. Cho đến nay, hơn một chục quốc gia đã được trao quy chế này, trong đó mới nhất là Bahrain, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Maldives và Myanmar.

Đánh giá về vấn đề trên, ông Raffaello Pantucci, một thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore cho biết lời kêu gọi của Nga vào tuần trước về sự hợp tác sâu sắc hơn giữa các thành viên SCO một lần nữa chứng minh cho thế giới thấy rằng các quốc gia trên thế giới có nhiều lựa chọn thay thế các khối hợp tác do phương Tây tạo ra.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh SCO qua hình thức trực tuyến.

Ông Raffaello Pantucci cũng cho biết thêm: “Điều thú vị là các quốc gia thường không có thái độ thù địch với phương Tây nhưng vẫn tham gia SCO, trong đó có Ấn Độ và nhiều quốc gia thuộc Trung Á.

Đồng quan điểm, ông Zoon Ahmed Khan, một nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược Vành đai và Con đường tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết: “Các nước thành viên SCO đều có hiểu biết chung rằng họ hay thậm chí là Nam bán cầu nói chung, đã bị ảnh hưởng bởi nhiều chính sách cưỡng chế từ các nước phát triển. Vì vậy, họ nhìn thấy điểm chung để làm việc cùng nhau.”

Kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine bắt đầu, nhiều quốc gia trong SCO cảm thấy rằng họ khá dễ bị tổn thương trước những thách thức kinh tế toàn cầu. An ninh năng lượng và an ninh lương thực là những thách thức lớn mà những quốc gia này đang phải đối mặt. Do đó, các thành viên SCO đang tìm cách tăng cường vai trò kinh tế của khối, với việc Uzbekistan kêu gọi một xây dựng bản đồ kết nối giao thông thống nhất, trong khi Kazakhstan kêu gọi thành lập một quỹ đầu tư chung và tăng cường hợp tác năng lượng.

Trên thực tế, Trung Quốc đã muốn SCO tập trung vào kinh tế vào thời điểm thành lập, nhưng đề xuất thành lập Ngân hàng Phát triển SCO đã giành được rất ít sự ủng hộ từ các thành viên khác. Đặc biệt, Nga đã thay đổi thái độ một cách đáng kể. Phát biểu trước các nước thành viên, ông Putin kêu gọi SCO thiết lập cơ sở hạ tầng thanh toán cần thiết để tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và xây dựng cấu trúc tài chính độc lập.

“Nga về cơ bản đã loại bỏ nhóm này trong những ngày đầu, nhưng sau đó quốc gia này đã tham gia vì lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc tại “sân sau” của họ”, chuyên gia Pantucci nói. Nhưng giờ đây, họ ngày càng coi SCO là bức tường thành đối với phương Tây khi đẩy mạnh hợp tác an ninh thông qua các cơ chế như cấu trúc chống khủng bố khu vực.

Tương tự, bà Nijhar chỉ ra, việc Nga và Trung Quốc đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ phù hợp với tham vọng định vị đồng tiền của họ là sự thay thế đáng tin cậy và bền vững cho đồng USD. Động thái này thậm chí còn có ý nghĩa quan trọng hơn sau khi Nga tấn công Ukraine vì nhiều thị trường bị áp lệnh trừng phạt hiện đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư và nguồn vốn từ các ngân hàng mới.

Cẩm Anh