Thị trường NFT đã tăng gấp 3 lần trong năm 2020, đạt hơn 250 triệu USD với sự hỗ trợ của L’Atelier. Năm 2021, thị trường này đang trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Jack-Dorsey-twitter

Dòng tweet của Jack Dorsey, Giám đốc điều hành Twitter được chứng thực NFT và sau đó đã được Sina Estavi, Giám đốc điều hành của Bridge Oracle mua với giá 2,5 triệu USD… Ảnh: Karmun Ng

Cơn sốt NFT

Một ngày đẹp trời, Beeple (tên thật là Mike Winkelmann) đã ngồi ghép tất cả các hình ảnh của mình đã đăng trực tuyến mỗi ngày kể từ năm 2007 thành một bức ảnh số, lấy tên là “Everydays – The First 5.000 Days”, và gửi bán tại nhà đấu giá Christie nổi tiếng thế giới với giá khởi điểm là 100 USD. Với giá khởi điểm này, có lẽ ông hy vọng tác phẩm của mình bán được với giá 1.000 USD là hết nấc. Nhưng rất nhanh sau đó, giá của tác phẩm được đẩy lên tới mức 30 triệu USD, gây choáng váng với tác giả và thậm chí nhà đấu giá.

Thế nhưng, mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Trước khi kết thúc vài giây, một loạt giá đã được phát ra một cách điên cuồng vào thời điểm cuối cùng, khiến cuộc đấu giá kéo dài thêm 2 phút và đẩy giá chốt lên 69,3 triệu USD. Đây là mức giá đấu giá cao thứ ba dành cho một nghệ sĩ còn sống, sau Jeff Koons với tác phẩm điêu khắc bằng thép giá 91,1 triệu USD và David Hockney với bức tranh giá 90,3 triệu USD.

Một điều nghe có vẻ kỳ lạ hơn là người chiến thắng sẽ không nhận được tác phẩm (bức tranh) hay thậm chí là bản in mà nhận được một mã thông báo kỹ thuật số duy nhất, được gọi là NFT. Điều này giống như mấy đứa trẻ nghiện trò chơi trực tuyến mua trang bị ảo trong trò chơi có giá lên tới vài trăm triệu đồng ở Việt Nam. Có nghĩa dùng tiền thật, mua đồ ảo.

Vẫn chưa hết, thời gian vừa qua, người ta còn dùng rất nhiều tiền để mua nhiều thứ được coi là rất ảo, như vào tháng 12/2020, Jack Dorsey, Giám đốc điều hành Twitter đã “chứng thực bản gốc” dòng tweet đầu tiên của anh ta năm 2006 bằng NFT và rao bán. Dòng tweet sau đó đã được Sina Estavi, Giám đốc điều hành của Bridge Oracle mua với giá 2,5 triệu USD…

Unsplash

Unsplash- kho hình ảnh của các nhiếp ảnh gia, đã được Getty Images mua lại. Ảnh: Giao diện Unsplash

Một thị trường mới

NFT ra đời phá tan rào cản của việc mua bán các tác phẩm số. NFT là chứng nhận đảm bảo của bên bán cho bên mua khi họ giao dịch các tác phẩm kỹ thuật số.

NFT là một mã thông báo bao gồm chuỗi ký tự gồm số và chữ cái duy nhất gắn kèm với tác phẩm số để đảm bảo cho người mua, lưu trên chuỗi blockchain. Chuỗi blockchain sẽ chứa thông tin hiện ai là người sở hữu chúng.

Một cách dễ hiểu nhất, NFT giống như sổ đỏ đối với một ngôi nhà chứng thực sở hữu căn nhà được chính phủ công nhận.

Trên thực tế, NFT ra đời từ năm 2012, với nền tảng dựa trên tiền mã hóa. Nhờ cơn sốt tiền mã hóa vừa qua, người ta bắt đầu chú ý đến NFT cũng như khả năng xác thực quyền sở hữu của nó.
Có “chứng nhận” NFT, không những làm thị trường giao dịch kỹ thuật số các tác phẩm nghệ thuật như tranh, ảnh,… nóng lên, mà còn làm bùng nổ cả một thị trường giao dịch mới: giao dịch nội dung.

Như của tweet của Jack Dorsey từ 2006, trước đây có bán chắc cũng chẳng ai mua, nhưng giờ đây khi có NFT, nó đã được bán với giá không tưởng. Người mua trả tiền và nhận được “chứng thư” NFT. Chứng chỉ này là duy nhất vì nó đã được Dorsey “ký và xác minh”.

Chẳng ai biết người ta mua tweet của Dorsey làm gì, thậm chí nhiều người nghĩ nó chẳng có ý nghĩa gì, nhưng có thể họ lại thích những thứ khác: kết nối với người nổi tiếng.

Nhu cầu này khá lớn và nhiều khi có phần điên cuồng, nên sau khi NFT ra đời, các nền tảng bán nội dung kiểu như vậy bùng nổ nhanh chóng, như Cameo hay Patreon. Họ trở thành trung gian bán các nội dung do người nổi tiếng tạo ra cho người hâm mộ. Người hâm mộ muốn gì, các sao sẽ thực hiện đúng theo yêu cầu với một khoản phí.

Ví như 1 đoạn phim Snoop Dogg chúc mừng sinh nhật, hoặc Carole Baskin sẽ hát “In Da Club” cho người bỏ tiền. Các đoạn phim đó sử dụng “chứng thư” NFT để khẳng định đoạn phim đúng là của Snoop Dogg tự tay ghi hình, bài hát “In Da Club” của Carole Baskin là của người bỏ tiền sở hữu. Người khác có thể sao chép, nhưng “chứng thư” NFT chỉ ra rằng người sở hữu đoạn phim vẫn là của người bỏ tiền đầu tiên.

Còn nhiều nền tảng khác bùng nổ từ khi “chứng thư” NFT ra đời, như: OnlyFans – nền tảng bán ảnh gốc của người nổi tiếng cho người hâm mộ; Unsplash- kho hình ảnh của các nhiếp ảnh gia, đã được Getty Images mua lại; hay như Betty Labs, nền tảng phát triển tính năng Locker Room – âm thanh thể thao trực tiếp của Clubhouse, vừa được Spotify mua lại…

Chắc chắn rằng NFT sẽ còn được ứng dụng trong nhiều thị trường khác trong tương lai, chúng ta hãy chờ xem!