Việc thành lập bộ máy lãnh đạo Đảng – Nhà nước mới, với Chính phủ mới, hứa hẹn một triển vọng kinh tế năng động trở lại trong năm 2021 và sau đó.
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2021 vừa được Viện Kinh tế và chính sách (VEPR) công bố cho thấy, kinh tế Việt Nam trong Quý I/2021 giữ mức tăng trưởng 4,48% từ Quý 4/2020, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020.
Trong Quý I/2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,30%, khu vực dịch vụ tăng 3,34%.
“Đây là con số ấn tượng, do khoảng thời gian này nền kinh tế nước ta chịu khá nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến từ lệnh phong tỏa một số địa phương như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng trước sự bùng phát của dịch bệnh. Đồng thời, các hoạt động du lịch, vui chơi lễ hội cũng bị trì hoãn, người dân, doanh nghiệp có tâm lý e ngại. Trong khi đó quý I/2020, kinh tế chưa bị ảnh hưởng nhiều”, TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR nhận định.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong Quý 1/2021 cho thấy, có 29,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý 1/2021 tốt hơn Quý 4/2020; 31,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 39,0% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
“Kết quả này kém khả quan hơn so với Quý 4/2020 cho thấy làn sóng COVID-19 thứ ba đã ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp”, TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR nhận định.
Trong Quý 1 năm 2021, cả nước có 29,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thấp hơn 1,4% so với cùng kì năm trước. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2020, còn 14,7 nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký cao hơn 27,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 447,8 nghìn tỷ đồng do có sự gia tăng về số doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng (tăng 36,8%). Số lao động đăng ký cũng tăng 0,8% lên 245,6 nghìn lao động.
Những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng bao gồm: Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn sớm giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước, kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức chấp nhận được, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 dự báo có thể đạt mức 6,0-6,3%. Cân nhắc những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động lên nền kinh tế Việt Nam hiện nay, VEPR đưa ra các dự báo về tăng trưởng theo các kịch bản khác nhau về tình hình bệnh dịch.
Việc thành lập bộ máy lãnh đạo Đảng – Nhà nước mới, với Chính phủ mới, hứa hẹn một triển vọng kinh tế năng động trở lại trong năm 2021 và sau đó.
“Hơn nữa, với điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, chúng tôi dự kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 6,0-6,3%”, TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR nhận định.
Dự kiến Quý 2/2021 so với Quý 1/2021, có 51,0% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 34,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Thy Hằng