Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng trên thị trường quốc tế, nhiệm vụ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, của các mặt hàng nông sản nói riêng là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, làm thế nào để nâng cao được năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam lại là một “bài toán” không dễ giải.
Hiện nay, bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, các nguồn lực sản xuất trong nước có hạn, một số yếu tố đầu vào cho sản xuất lại lệ thuộc vào thị trường thế giới đang trở thành vấn đề có tính cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Nhận định về việc đối với nhà nước, cần làm sao để thúc đẩy doanh nghiệp nông nghiệp phát triển theo định hướng đúng đắn, TS. Vũ Mạnh Hùng – Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng: cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp phải được xem là đầu tàu dẫn dắt ngành nông nghiệp phát triển, cần phải đầu tư trọng tâm để đầu tàu được lớn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Nhà nước cần có những chính sách mang tính khuyến khích để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Cụ thể, quan tâm tới phát triển số lượng doanh nghiệp, bởi chính sách phát triển doanh nghiệp nông nghiệp sẽ hướng nhiều hơn vào việc thúc đẩy hình thành nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là việc chuyển dịch từ khu vực hộ kinh doanh nông nghiệp, hộ đại điền sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, dần thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp phi chính sách sang chính thức. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ nông dân và lực lượng lao động thông qua các loại hình doanh nghiệp. Xây dựng chiến lược và chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực doanh nghiệp nông nghiệp.
TS Vũ Mạnh Hùng cho rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khu vực này phải có sự phối hợp đồng bộ để bao quát hết đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng và có chương trình đặc thù cho các ngành, lĩnh vực, chuỗi giá trị khác nhau.
Việc nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng cũng là một chính sách quan trọng. Theo đó, mở rộng hạn mức vay và cắt giảm điều kiện và thủ tục vay cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn được tốt hơn, tập trung cho các doanh nghiệp vay vốn để phát triển theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh việc triển khai thực hiện các chính sách trên, TS. Vũ Mạnh Hùng cũng nêu rõ để đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp cần tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa hàng hóa nông nghiệp.
Song song với đó, cần triển khai liên tục và thường xuyên các hoạt động kết nối cung – cầu để kết nối giữa các nhà sản xuất, các doanh nghiệp nông nghiệp với hệ thống phân phối nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối và các mô hình tổ chức chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước.
Bảo Loan