Hiệu quả từ các hoạt động xúc tiến thương mại
Ông Trần Phú Lữ – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, từ năm 2014, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam đã thực hiện chương trình hợp tác xúc tiến thương mại đầu tư và đã đạt được một số kết quả nhất định, Hoạt động xúc tiến đã tạo được sự gắn kết, chia sẻ giữa các tỉnh thành cùng tham gia một số chương trình mang tính khu vực hoặc quốc gia… từ đó hỗ trợ được hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, xúc tiến, thu mua và phân phối hàng hóa, phát triển thị trường góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.
Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức 102 hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư. ITPC đã tập trung xúc tiến các sản phẩm xuất khẩu chuyên ngành, xuất khẩu tại chỗ cho các tập đoàn đa quốc gia; xúc tiến đầu tư, tổ chức 13 chương trình doanh nghiệp tiếp xúc lãnh đạo, kêu gọi đầu tư vào các quận, huyện như Củ Chi, Hóc Môn với vốn ký kết đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Trung tâm cũng đã tổ chức các diễn đàn kinh tế châu Âu, hệ thống đối thoại doanh nghiệp với chính quyền thành phố để tháo gỡ chính sách cho doanh nghiệp.
Đánh giá của Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương cho thấy, thời gian qua, xúc tiến thương mại đã có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức triển khai. Trong thời gian dịch bệnh, điều kiện di chuyển trong nước và quốc tế bị gián đoạn, Cục Xúc tiến thương mại đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan của các Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp nỗ lực nghiên cứu, ban hành kịp thời cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình, phương thức mới dựa trên việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điển hình là kết nối khách hàng trực tuyến qua các chương trình hội chợ triển lãm, giao thương, trưng bày giới thiệu sản phẩm trên môi trường số.
Từ đầu năm 2022 khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hoạt động giao thương trở lại sôi động, hoạt động xúc tiến thương mại được chuẩn bị kỹ hơn, triển khai bài bản hơn. Đáng chú ý nhất là đa số các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai cả trực tiếp và trực tuyến nhằm phát huy các lợi thế của hoạt động gặp gỡ giao thương trực tiếp theo truyền thống, đồng thời khai thác tối đa các ưu thế của hình thức xúc tiến thương mại qua môi trường số. Từ đó hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin cập nhật về thị trường, về nhu cầu khách hàng, quy định xuất nhập khẩu để có sự chuẩn bị tốt hơn cho việc tìm kiếm khách hàng, xây dựng và duy trì quan hệ khách hàng, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp.
Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại
Ông Lữ cho biết thêm, trong bối cảnh tình hình thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp với nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn, thương lượng giảm giá. Trước các thay đổi này doanh nghiệp xuất khẩu cần điều chỉnh phương pháp xúc tiến thương mại trực tiếp kết hợp trực tuyến phù hợp với thực tế. Cùng với đó, tăng cường liên kết trong hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài theo hướng xây dựng chiến lược dài hơi, tập trung đúng đối tượng thay vì dàn trải. Đồng thời cần liên kết vận dụng thế mạnh của từng trung tâm xúc tiến, lợi thế của từng vùng miền, tỉnh thành.
ITPC cũng mong muốn các trung tâm xúc tiến chủ động, tăng cường đề xuất các chương trình hợp tác liên hết trong hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư theo hướng chia sẻ thông tin kế hoạch xúc tiến thương mại hàng năm giữa các đơn vị, các tỉnh thành.
Ông Charles Mordret – Chuyên gia ngành hàng nguyên liệu thực phẩm của Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) chia sẻ, xu hướng của công tác xúc tiến vào thị trường các nước châu Âu cần xây dựng hình ảnh, sự hiện diện quốc gia, thương hiệu ngành hàng gắn với tính bền vững, trách nhiệm của công ty về kinh doanh xuất khẩu vào trách nhiệm xã hội, cộng đồng. Trong thương mại quốc tế, có nhiều thay đổi liên quan đến an toàn sản phẩm, chất lượng nên cần tăng cường các hoạt động trao đổi, đào tạo, hội thảo, cập nhật các thay đổi trong quy định và yêu cầu của thị trường nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, sức lan tỏa công tác xúc tiến cho doanh nghiệp.
“Hoạt động xúc tiến thương mại nên được thực hiện riêng theo từng lĩnh vực do mỗi mặt hàng, sản phẩm có sự khác biệt và cần sự chuyên sâu khác nhau. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối mang tính chiến lược, để tận dụng được thế mạnh riêng của từng đơn vị, lĩnh vực” – Ông Charles Mordret nhấn mạnh.
Thêm góp ý về vấn đề trên, ông Kim Seoung – Phó Đại diện Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (Kotra) cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần nâng cao khả năng tiếp cận các công cụ, kênh giao dịch trên nền tảng số và khả năng ứng dụng các công cụ số, áp dụng các hình thức kết nối giao thương B2B mới (trực tuyến, kết hợp trực tiếp và trực tuyến). Đặc biệt, đẩy mạnh kết nối giữa các đơn vị, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, đa dạng các hình thức hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến trong giai đoạn mới.