Thời gian gần đây, số lượng ô tô tại Hà Nội đang ngày càng tăng nhưng diện tích trông giữ xe không tăng điều này đã kéo theo nhiều hệ lụy cho người dân.
Theo thống kê, trong khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng ô tô tại Hà Nội tăng trưởng đều ở mức 10%. Tính đến cuối năm 2022, số lượng phương tiện giao thông tại Hà Nội có khoảng 7,7 triệu, riêng số lượng ô tô là hơn 1 triệu. Hiện trạng số lượng xe tăng thì diện tích cho khu vực để xe lại không thay đổi. Đặc biệt tại các khu phố trung tâm, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại hay cả các chung cư.
Gần đây vấn nạn thiếu chỗ để xe ngày càng gia tăng khi một khu chung cư “đông dân” tại Hà Nội liên tục phản ánh sự căng thẳng của các chủ xe khi thiếu chỗ đỗ và các vấn đề liên quan đến an ninh khi xe bị để lề đường. Gần đây nhất, xảy ra vụ việc chọc thủng lốp hơn 20 xe ô tô đỗ trên vỉa hề ở gần hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đã khiến cư dân tại đây phẫn nộ.
Theo anh T. thường trú ở chung cư HH2 tại Linh Đàm cho biết, anh cùng cả gia đình đã sống tại đây hơn 6 năm. Khu vực này được quy hoạch diện tích trên 3ha, với thiết kế dành cho 6 tòa nhà cao từ 25-35 tầng. Tuy nhiên theo thực tế xây dựng ở đây có tới 12 tòa nhà với chiều cao từ 36-41 tầng, mỗi tầng 20 căn hộ và chỉ duy nhất một tầng hầm để xe máy.
Anh T. chia sẻ tầng hầm chỉ có chỗ để xe máy, về muộn hơn chút là đã thiếu chỗ để xe rồi chưa kể việc sáng mà đi sớm là không lấy nổi xe ra. Vậy thì chỗ ở đâu để ô tô!? Bãi để ô tô quanh khu vực cũng luôn bị kín xe, để xe xa thì bất tiện nên lòng đường vỉa hè bất cứ chỗ nào để được thì để. Tuy vậy đi kèm với đó là những nỗi lo về an ninh như xước sơn, bể kính, vặt gương hoặc cơ quan chức năng xử phạt,…
Theo anh P.A hiện mới chuyển cư trú về một khu chung cư ở quận Hai Bà Trưng cho biết, hiện nay nếu muốn có chỗ đỗ xe, ban quản lý buộc cư dân mới phải đăng ký xếp chỗ. Khi nào có hộ cư dân khác chuyển nhượng lại thì mới được sắp xếp để chuyển vào. Việc này kéo dài mất trung bình 3 – 6 tháng, cho nên trong thời gian chờ anh buộc phải để xe cách đó hơn 1km và di chuyển về nhà bằng đường bộ. Không chỉ anh mà rất nhiều chung cư quanh khu vực gặp phải tình trạng này.
Theo Công văn số 1245/BXD-KHCN ngày 24/6/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chỉ tiêu kiến trúc áp dụng cho công trình nhà ở cao tầng thực hiện trong giai đoạn từ ngày 24/6/2013 đến ngày 1/7/2020, chỉ tiêu chỗ đỗ xe (ô tô, xe máy, xe đạp) áp dụng cho công trình nhà chung cư đối với nhà ở thương mại, là cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ thì phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe (kể cả đường nội bộ trong nhà xe). Đối với nhà ở xã hội, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ phải bố trí tối thiểu 12m2 chỗ để xe.
Trong khi đó, trung bình chung, diện tích một “slot” đậu xe ô tô khoảng 15m2, thêm hành lang di chuyển cua xe ra vào thì trung bình mỗi chiếc ô tô cần 20m2. Bên cạnh đó, diện tích của mỗi xe máy cũng tốn khoảng 3m2, xe đạp là 0,9m2.
Theo phân tích, năm 2013, khi Bộ Xây dựng ra văn bản hướng dẫn thì nhu cầu sở hữu xe ô tô của người dân chưa cao như hiện nay, chỉ khoảng 5% – 30% (tùy phân khúc chung cư) trong tổng số căn hộ có xe ô tô. Hiện số lượng căn hộ sở hữu xe ô tô đã lên đến 20% – 30%, với các khu chung cư trung – cao cấp trên 55 triệu đồng/m2 thì số lượng căn hộ sở hữu xe ô tô có thể lên tới 40% – 60%, thậm chí hơn với phân khúc cao cấp trên 70 triệu đồng /m2, chưa kể một căn hộ có thể có nhiều hơn một ô tô.
Nhìn chung, người mua nhà hiện nay ngoài việc để ý đến các tiện ích, cũng cần tìm hiểu kỹ khu vực gửi xe của chung cư bao gồm việc thuận lợi, vị trí cũng như chi phí gửi xe. Ngoài ra, người mua cũng nên chủ động tính toán công suất chỗ để xe của dự án, không nên nghe theo một phía từ nhân viên bán nhà hoặc chủ nhà.
Vi Anh