5b5218125dham_nha_ga_ben_thanh__metro_so_1_anh_ngoc_duong__15__lzah

Hầm nhà ga Nhà hát Thành phố – tuyến metro số 1 TP HCM

Là một chuyên gia trong lĩnh vực công trình ngầm, KTS Trần Vĩnh Nam cho rằng, do chi phí xây không gian ngầm rất cao nên TP cần quy hoạch không gian kết nối các khu đô thị với ga metro khai thác không gian ngầm. Đặc biệt, khi tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên đang gấp rút về đích cũng là lúc kế hoạch khai thác không gian ngầm của TP HCM được đẩy nhanh nhằm tạo ra những khu đô thị sầm uất dưới lòng đất.

Kỳ vọng đô thị dưới lòng đất

Từ tháng 4/2020, UBND TP đã phê duyệt kế hoạch tuyển chọn “Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành”. Tháng 3/2021, UBND TPHCM cũng đã đồng ý đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM về thi tuyển ý tưởng quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho khu trung tâm hiện hữu 930ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Các chuyên gia đánh giá, khi đô thị hóa đã đạt trên 70 – 80% diện tích, việc khai thác phát triển đô thị theo chiều cao bị hạn chế, thì xu hướng chuyển sang khai thác chiều sâu là giải pháp trả lại không gian mặt bằng cây xanh, công viên, giảm thiểu sự bí bách của đô thị.

Tại các quốc gia trên thế giới, quy hoạch hệ thống đô thị ngầm gần như hình thành song song với việc phát triển các tuyến metro ngầm.

Đơn cử như tại TP. Montreal (Canada) có đô thị ngầm Reso với các công trình ngầm như trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở, khách sạn, bệnh viện, trường học… đều được kết nối với tất cả không gian ngầm của các tòa cao ốc trên mặt đất. Tại châu Á, Nhật Bản cũng có mạng lưới đô thị ngầm hiện đại như Crysta Nagahori ở TP. Osaka với tổng diện tích hơn 81.000 m2.

Do-Thi-Duoi-Dat-1_Op

Phối cảnh ga ngầm Nhà hát Thành phố của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên)

Tuy nhiên, theo KTS Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, việc xây dựng đô thị ngầm tại TP HCM rất khó bởi hiện dưới lòng đất của TPHCM ngổn ngang “mạng nhện” các công trình ngầm của các đơn vị (điện, nước, viễn thông…) quản lý độc lập, khó có thể quy hoạch.

Tiền đâu để “chui” xuống đất?

Trên cương vị kiến trúc sư đã tham gia vào dự án đô thị ngầm Reso (Canada), KTS Ngô Viết Nam Sơn – Chủ tịch Công ty TNHH Tư Vấn Thiết Kế Ngô Viết cho rằng, việc xây dựng đô thị ngầm dưới lòng đất không chỉ là thiết kế, mà còn là sự tổng hợp của nhiều vấn đề về hạ tầng, môi trường, hiệu quả đầu tư. Điều quan trọng nhất để phát triển dự án này chính là giải quyết được bài toán tài chính, nguồn vốn thực hiện.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, nhìn từ đô thị ngầm Reso, chính quyền TP Motreal (Canada) đã áp dụng rất thành công mô hình đối tác công – tư (PPP). PPP là cần thiết để cân đối được chi phí vận hành quá lớn. Khi đó, nguồn thu để bù đắp chi phí được lấy từ các hoạt động thương mại, dịch vụ của các dự án ngầm mà tư nhân đã đầu tư.

Có thể việc xây dựng tuyến metro lấy nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhưng phần không gian ngầm cần ưu đãi để mời gọi tư nhân tham gia xây dựng dọc tuyến metro.

Diệu Hoa