Năm 2023 thách thức khó khăn đan xen, nhưng so với bối cảnh, điều kiện đầu năm 2022 thì có thuận lợi hơn. Năm 2022, ngay từ đầu năm dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào mới kết thúc. Bên cạnh đó là sự khủng hoảng đứt gãy các chuỗi cung ứng, đóng băng các thị trường và chưa có “lối ra”.

Tran-Vn-Lam

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Tiềm ẩn trong năm 2022 cũng có nhiều phát sinh đột xuất, đặc biệt là cuộc xung đột Nga-Ukraine, biến động giá cả xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào… Tất cả những khó khăn, thách thức đã hiện hữu ngay từ đầu năm cũng như đột xuất cho thấy bối cảnh năm 2022 là phức tạp hơn rất nhiều so với năm 2023.

Không còn “áp lực” như năm 2022

Tuy nhiên, 2023 vẫn còn đó vẫn còn những tồn tại, cản trở nhất định. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta chủ quan, tự mãn. Nhưng vượt qua thách thức năm 2022 là cơ sở giúp Việt Nam tự tin trong năm 2023 tiếp tục đà thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Đánh giá thuận lợi, khó khăn trong năm 2023, đối với thị trường bên ngoài, suy giảm nhu cầu của thị trường thế giới, trong đó có một số thị trường trọng điểm của Việt Nam như châu Âu, Mỹ. Nhưng hiện nay đã có những tín hiệu phục hồi tương đối khả quan.

Đối với thị trường Trung Quốc, năm 2022 còn đang rất khó khăn do chính sách zero-Covid, nhưng sang năm 2023 Trung Quốc đã mở cửa. Bên cạnh việc chúng ta tiếp cận thị trường thuận lợi, cũng có lo lắng về phòng chống dịch bệnh, nguy cơ bùng phát một biến chủng mới có thể xảy ra.

Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn còn gặp phải những khó khăn do sự phục hồi chậm tại một số thị trường, biến động chính trị thế giới từ cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến cho hệ thống cung ứng bị đứt gãy chưa được phục hồi, giá cả nguyên, nhiên vật liệu đầu vào như khí đốt có thể lại tiếp tục biến động khó lường.

Còn đối với thị trường trong nước, bất ổn “bong bóng” của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… chúng ta đã nhận thức và đang khắc phục, nhưng thị trường này đang bước vào giai đoạn “trầm lắng”, phục hồi chậm, tiêu cực trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì hệ luỵ có thể kéo dài sang đến năm 2023.

Từ đó làm ảnh hưởng đến các yếu tố thị trường cũng như một số yếu tố vĩ mô. Đây là những khó khăn chúng ta đã nhận thức cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, những khó khăn này không phải mới mà đã xuất hiện từ trước năm 2022. Chúng ta đã có những đối sách, giải pháp tương đối hiệu quả.

Một số thuận lợi trong năm 2023

Do đó, trong năm 2023 khó khăn vẫn còn nhưng áp lực sẽ giảm hơn so với năm 2022. Như vậy, chúng ta sẽ có điều kiện củng cố ổn định nền tảng vĩ mô, duy trì sự tăng trưởng, nhưng có thể không cao như năm 2022. Bởi năm 2022 tăng trưởng cao từ nền những năm trước đó bị suy giảm, thậm chí “nén lại”. Năm 2022 “bung ra” với tốc độ cao nhưng đây chỉ là chỉ số so sánh.

xuat-khau-2

Bước sang năm 2023, trên nền đã đạt được từ năm 2022 cao, tăng trưởng sẽ có quy mô lớn hơn mặc dù tốc độ có thể bị giảm xuống.

Bước sang năm 2023, trên nền đã đạt được từ năm 2022 cao thì tăng trưởng sẽ có quy mô lớn hơn mặc dù tốc độ có thể bị giảm xuống. Nhưng khi đó Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển hơn về chiều sâu, củng cố nền tảng phát triển ổn định, vững chắc hơn.

Thứ nhất, một số thị trường mặc dù còn khó khăn những đã có dấu hiệu phục hồi như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. Vơi những khó khăn của năm 2022, các nước đã từng bước biết ứng phó và tìm ra giải pháp xử lý.

Thứ hai, Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm ứng phó, như biến động giá xăng dầu, có kinh nghiệm kiểm soát giá xăng dầu. Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào xăng dầu tăng đột biến, nhưng vẫn kiểm soát được giá, lạm phát.

Thứ ba, sức sản xuất của Việt Nam cũng đã được phục hồi, một số ngành lĩnh vực trước đây bị suy giảm mạnh thì hiện nay đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, như du lịch đã cơ bản trở về trạng thái trước dịch.

Thứ tư, với bối cảnh của Việt Nam, tiềm năng thu hút khách quốc tế quay trở lại rất khả quan. Lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đều có cơ hội tăng trưởng, phát triển.

Như vậy, năm 2023 sẽ là năm “bản lề” để chúng ta “tăng tốc”, ổn định vững chắc, hướng đến đích là đạt mục tiêu của nhiệm kỳ 5 năm đến 2025.

– Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội