Nhìn thực tế con số khoảng 50% số điều kiện kinh doanh được các Bộ báo cáo đã cắt giảm nhưng có thực chất hay không lại là chuyện khác.
“Dù khó vẫn phải làm, vì nếu kêu khó thì mãi mãi không làm được. Và khi đưa ra thì phải làm được, ai không làm được thì “đứng sang một bên”… Đồng thời, để tổ chức thực hiện, sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh”.
Đó là một trong những phát biểu đáng chú ý của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trong ngày làm việc đầu năm 2020 “bàn việc xây dựng công cụ kế hoạch cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 2020-2025”.
Như dự thảo kế hoạch, mục tiêu đặt ra là cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng, Chính phủ; ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh trong mỗi năm (từ năm 2020-2025).
Theo đó, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu Cục Kiểm soát văn bản pháp luật (Văn phòng Chính phủ) rà soát lại để có nghị quyết chuyên đề về cải cách môi trường kinh doanh.
Trên cơ sở đó trình Thủ tướng ban hành kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết. Kế hoạch đầu tháng 2 ban hành nghị quyết và kế hoạch thực hiện.
Có thể nói, kể từ khi nhận nhiệm vụ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cắt giảm hàng ngàn điều kiện kinh doanh khi nâng cấp các thông tư lên thành nghị định năm 2016; đợt cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh năm 2018; và đến lần này thành lập tổ công tác đặc biệt, mở đường cho cải cách tiếp theo.
Vấn đề ở chỗ, nhìn thực tế của con số khoảng 50% số điều kiện kinh doanh đã được các Bộ báo cáo đã cắt giảm nhưng có thực chất hay không lại là chuyện khác.
Bởi vì, một Báo cáo của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019” mô tả rất rõ tình trạng này, điều kiện kinh doanh có mặt mọi nơi ngay cả ở cấp thông tư vốn không được phép. Có vô số giấy phép con “cười ra nước mắt” cho doanh nghiệp”.
VCCI và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) từng tính toán, trong nhiều văn bản, nhiều điều kiện kinh doanh được “cắt giảm” theo cách, trước đây ba điều kiện kinh doanh là ba gạch đầu dòng, thì nay ba cái gộp lại thành một đầu dòng.
Chẳng hạn: Câu chuyện Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội đã ban hành danh mục hàng hóa quản lý, kiểm tra chuyên ngành của Bộ trong khi trước đó, bộ này không thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hoặc, có tình trạng một nghị định nhưng có tới 5-7 thông tư của bộ đưa ra. Đơn cử như Bộ Y tế, vừa có một công văn, vừa có một văn bản của Cục An toàn thực phẩm ban hành ra, cả nước phải thực hiện theo..v..v.
Như nhiều chuyên gia chỉ ra là đang có một thực trạng các văn bản được chia theo trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, trong khi đáng ra có thể chấp nhận các kết quả kiểm tra của nhau. Nói thế để thấy, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh ở các bộ khó khăn như thế nào. Đó là quyền-tiền, là xin-cho của họ với doanh nghiệp, với thị trường.
Nói các khác, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện thời gian qua. Trong báo cáo Doing Businenss của Ngân hàng Thế giới mới đây, Việt Nam tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8 điểm), nhưng giảm 1 bậc xếp hạng chung (từ vị trí 69 xuống vị trí 70). Có nghĩa là các nền kinh tế khác đang đi nhanh và mạnh hơn chúng ta.
Dĩ nhiên, thứ hạng đó của Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng trong so sánh với các nước trong khu vực. Theo đó, chúng ta nỗ lực một thì họ nỗ lực hai, thậm chí ba. Chẳng có cách nào khác là phải tiến nhanh bằng tốc độ của họ và thậm chí là vượt lên mới hi vọng thu hẹp khoảng cách phát triển.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu -Phó viện trưởng CIEM cho rằng: “Nếu sửa riêng rẽ các quy định thì sẽ còn tiếp tục mâu thuẫn, nên cần phải đưa vào chung một nghị định hướng dẫn các nghị định; kiểm tra chuyên ngành cũng nên đưa vào một nghị định, tức một nghị định hướng dẫn một nhóm vấn đề và nhiều luật”.
Với ít nhất 20% điều kiện kinh doanh và chi phí cần cắt giảm, cần tính đến con số khả thi, nên nhấn mạnh đến 20% là bãi bỏ hoàn toàn toàn văn bản chứ không nên thống kê là sửa đổi.
Vậy, ai sẽ là “cỗ máy” trong tiến trình thúc đẩy thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy năng lực cạnh tranh?
Ngoài nỗ lực của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ…t hì các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương cũng phải chúng sức chung lòng thực hiện. Nếu cứ kêu khó thì mãi mãi không làm được và cái gọi là “trên nóng dưới lạnh” là hoàn toàn có thực.
Người dân hoan nghênh tinh thần đổi mới và rất quyết liệt của Chính phủ. Hy vọng năm mới sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp hơn!
Sông Hàn