Công nghệ 5G sẽ giúp kinh tế ASEAN tăng trưởng nhanh hơn

Các chuyên gia công nghệ nhận định, năm 2020 sẽ là năm mà công nghệ không dây thế hệ thứ năm (5G) sẽ được thương mại hóa. Đáng chú ý, các quốc gia tại Đông Nam Á sẽ tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình này bên cạnh những tên tuổi lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc.

Hiện nay, Thái Lan và Singapore có kế hoạch bắt đầu khai thác các dịch vụ 5G vào đầu năm 2020. Chính phủ Thái Lan cũng đang xem xét cách thức để khuyến khích các công ty vẫn đang đầu tư vào 4G tham gia đấu thầu các phần hạ tầng của 5G khi đưa ra đấu giá. Một ưu đãi đang được xem xét là khoản vay tài chính lãi suất thấp.

Hãng viễn thông Singapore Singtel cũng đang làm việc với Garuda Robotics về máy bay không người lái về bảo mật và giao hàng trọn gói. Công ty này cũng đang tiến hành các thử nghiệm để chơi game trên điện toán đám mây cho phép người dùng truyền phát trò chơi.

Vào tháng 4/2019, cơ quan quản lý viễn thông Campuchia cũng tuyên bố đã ký thỏa thuận với tập đoàn Huawei của Trung Quốc để triển khai cơ sở hạ tầng 5G tại nước này vào năm 2020.

Với lợi thế dân số trẻ tuổi, những người thường sử dụng điện thoại thông minh để đặt hàng thực phẩm, mua sắm, các doanh nghiệp và những nhà mạng không dây trong khu vực đang chứng kiến đà tăng lợi nhuận theo nhu cầu của giới trẻ.

Một cuộc khảo sát được tiến hành tại Malaysia, Indonesia cho thấy, 67% những người được hỏi cho biết họ sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ 5G, điều này cho thấy rằng người tiêu dùng đã nhận thức được giá trị và tiện ích của loại hình công nghệ mới trong đời sống.

Hiện nay, nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á đang gia tăng và băng thông xuyên quốc gia trong khu vực đã tăng 45 lần kể từ năm 2005. Giống như phần còn lại của toàn cầu, các nước ASEAN đang tìm cách tận dụng 5G một cách hiệu quả và sáng tạo. Một số ngành công nghiệp trong khu vực sẽ bắt đầu nhìn thấy những lợi thế nhất định

Do đó, sự xuất hiện phổ biến của mạng 5G ở Đông Nam Á trong năm 2020 sẽ mang lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đang triển khai mạng lưới IoT trên quy mô lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được thiết lập để tận dụng các cơ hội do 5G mang lại để tạo ra sự tăng trưởng trong kinh doanh và hỗ trợ việc chuyển đổi sang kỹ thuật số.

Đồng thời, phát triển công nghệ 5G cũng giúp mở ra bước tiến mới để các doanh nghiệp đưa robot vào hỗ trợ trong các hoạt động sản xuất, ứng dụng máy bay không người lái tự động trong các ngành dịch vụ, cải thiện tốc độ truyền tải để thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xe tự lái tại các thành phố thông minh thiết lập hệ thống một cách dễ dàng hơn.

Điều này có khả năng dẫn tới làn sóng của một loạt các nhà sản xuất linh kiện điện tử và bán dẫn như Samsung Electronics cũng như các nhà sản xuất chip Hàn Quốc, Đài Loan đổ bộ vào khu vực này.

Tuy nhiên, vì mỗi quốc gia ở Đông Nam Á có cách triển khai khác nhau, do đó, nhu cầu về công nghệ giữa các quốc gia sẽ khác nhau, dẫn đến việc sẽ một số nước có thể sẽ tụt lại phía sau. Báo cáo Dịch vụ Nhà đầu tư của Moody cho biết Malaysia và Indonesia vẫn chưa có nhiều chính sách để phát triển 5G khi vẫn tập trung vào mạng 4G.

Điều này có thể lý giải, với vị trí địa lý có nhiều bất lợi, có một số quốc gia vẫn chưa thể cung cấp đầy đủ dịch vụ 4G đầy đủ cho người dân, đặc biệt là tại những khu vực nông thôn. Mặt khác, việc triển khai 5G ban đầu sẽ gặp nhiều thách thức vì chi phí cao do những đòi hỏi về cơ sở hạ tầng.

Cũng có những lo ngại rằng các công ty có thể tính giá cao hơn để truy cập 5G. Tuy nhiên, giống như 3G và 4G, giá rất có thể sẽ giảm mạnh một khi có thể dễ dàng truy cập.

Một điều cũng quan trọng cần lưu ý là bản thân 5G sẽ không phải là viên đạn bạc để giải quyết nhiều vấn đề của khu vực, nhưng công nghệ này chắc chắn có thể thúc đẩy sự phát triển của các nước ASEAN nhanh hơn so với hiện tại.

Chính vì vậy, tương lai 5G của Đông Nam Á đang trở nên tiềm năng hơn bao giờ hết và lợi thế luôn dành cho các quốc gia đi đầu xu thế.