Vấn đề di cư có thể gây ra rắc rối cho Mỹ và phương Tây

Năm 2022, khoảng 1,2 triệu người đã di cư vào nước Anh – được nhiều chuyên gia cho là con số lớn nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ di cư của Tây Ban Nha gần đây cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại. Đức cũng chứng kiến số lượng người nước ngoài nhập cư cao hơn cả cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.

Trong khi đó, gần 1,4 triệu người dự kiến sẽ di cư đến Mỹ trong năm nay, nhiều hơn một phần ba so với trước đại dịch. Vào năm 2022, lượng di cư đến Canada và Úc đã tăng hơn gấp đôi so với mức kỷ lục trước Covid-19.

Theo các chuyên gia, các quốc gia phát triển như Mỹ và châu Âu đang đứng trước ngưỡng cửa của một “quả bom” nhập cư sắp bùng nổ. Ngoài các số liệu người nhập cư mới, thực tế này còn được phản ánh bằng số liệu về dân số sinh ra ở nước ngoài của các nước phát triển đã tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Trước hết, có một số nguyên nhân lý giải tình trạng bùng nổ này, bao gồm đại dịch Covid-19 và sự biến động của kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ chiến sự Nga – Ukraine.

Nhiều người di cư đã có được thị thực vào năm 2020 hoặc 2021, nhưng đại dịch Covid-19 đã ngăn cản việc di chuyển cho tới khi các giới hạn đi lại được nới lỏng thời gian qua. Đơn cử như Trung Quốc, từ khi chính phủ nước này dỡ bỏ các lệnh hạn chế năm 2022, số người dân ra nước ngoài đã tăng khoảng 10,5% so với năm 2021. Trong giai đoạn 2019-2021, những quốc gia có số dân nhập cư cao như Kuwait hay Singapore còn chứng kiến dân số sụt giảm khoảng 4% do người di cư trở về nhà.

Tuy nhiên, khi dân số sinh ra ở nước ngoài của các quốc gia phát triển đã đạt hơn 100 triệu người – một kỷ lục – thì nguyên nhân chính nằm ở khía cạnh kinh tế.

Tỉ lệ người sinh ra ở nước ngoài tăng đột biến là một dấu hiệu cho thấy làn sóng di cư đang tăng.

Sau đại dịch, các nền kinh tế như chiếc lò xo nén lâu ngày bị bật ra. Tỷ lệ thất nghiệp ở các nước giàu có hiện là 4,8% – mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Theo các chuyên gia, giới chủ đang rất cần tuyển dụng lao động, với số lượng vị trí tuyển dụng gần như cao nhất mọi thời đại.

Thống kê chỉ ra, tỉ lệ có việc làm của nhiều nước G7 hiện đang cao nhất trong 20 năm trở lại đây, với các quốc gia đi đầu như Đức (75%) hay Anh (75,6%) vào năm 2023. Hoa Kỳ, quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức kinh tế và tài chính trong nước, cũng đạt mức hơn 63% – cao nhất từ khi đại dịch bùng nổ.

Ngoài ra, sự biến động tiền tệ cũng là một lý do được các chuyên gia chỉ ra. Kể từ đầu năm 2021, đồng tiền của các thị trường mới nổi đã mất giá trung bình khoảng 4% so với đồng USD. Đây là một động lực để người di cư sang các quốc gia giàu có và tìm kiếm cơ hội gửi được nhiều tiền về nhà hơn trước.

Nguyên nhân sâu xa cũng nằm ở chiến sự Nga – Ukraine. Khủng hoảng năng lượng và lương thực khiến cuộc sống tại quê nhà của người di cư trở nên khó khăn hơn. Lạm phát cao và chi phí sinh hoạt tăng phi mã là nguồn cơn dẫn tới nhiều bất ổn chính trị và kinh tế đang diễn ra khắp thế giới. Để thoát khỏi tình cảnh đó, hàng triệu người ở các quốc gia kém phát triển hơn phải tìm kiếm con đường mới tươi sáng hơn.

Chiến sự Nga – Ukraine là một nguyên nhân sâu xa thúc đẩy vấn đề di cư.

Dù một số chính phủ, như Canada, Đức, Úc, đang cố gắng thu hút nhiều người nhập cư hơn, nhưng chỉ dành cho những lao động chất lượng cao. Những di dân ra đi vì xung đột và nghèo đói gần như không có khả năng bước chân vào các nước này, kéo theo tỉ lệ nhập cư bất hợp pháp đang ngày một gia tăng.

Di cư ồ ạt vài năm trước đã trở thành nguồn cơn cho sự xáo trộn lớn nhất của châu Âu khi đa số người Anh bỏ phiếu cho Brexit năm 2016. Dưới thời ông Donald Trump, Mỹ đã đưa ra một loạt dự án chính trị có quan điểm chống người di cư mạnh mẽ.

Trong làn sóng chủ nghĩa dân túy toàn cầu chưa nguội lạnh, các chính trị gia đối lập ở châu Âu chắc chắn sẽ sử dụng vấn đề di cư làm bàn đạp chính trị. Việc kiểm soát lượng lớn người di cư chưa bao giờ là việc dễ dàng và tiềm ẩn nhiều thách thức về an ninh và nguồn lực. Còn nhớ năm 2011, khoảng 6 triệu người Syria tràn sang châu Âu đã khiến châu lục lao đao trong việc ứng phó và là nguồn cơn cho nhiều bất ổn sau này.

Còn đang loay hoay tìm cách vực dậy nền kinh tế vượt qua suy thoái, cùng với chiến sự Nga – Ukraine ngày càng căng thẳng, một “cơn sóng di cư” tràn tới có thể sẽ thêm một gánh nặng lớn khác đặt lên vai Mỹ và phương Tây.

Trường Đặng