Điều này được thể hiện rõ qua chuyến công du Châu Âu mới đây của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai.

thuong_mai_myeu_2

Chuyến công du Châu Âu của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nhằm phát đi thông điệp Mỹ muốn can dự trở lại với WTO.

“Lạt mềm buộc chặt”

Song song với “nước Mỹ trên hết”, đại diện Thương mại Mỹ dưới thời D. Trump liên tục chỉ trích WTO vì lý do không kiểm soát được Trung Quốc và không bảo vệ nền kinh tế Mỹ. Ông Trump đã ngăn cản việc kiện toàn nhân sự Ban phúc thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, khiến sức mạnh của WTO hao hụt khá nhiều.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm Châu Âu mới đây, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã chuyển tải thông điệp của chính quyền Biden, rằng “WTO nên là một động lực có lợi, khuyến khích cạnh tranh đỉnh cao và giải quyết thách thức toàn cầu. Chúng tôi thừa nhận tầm quan trọng của WTO và tất cả đều muốn tổ chức này thành công”. Như vậy, Mỹ lại muốn “can dự đằm thắm” vào WTO- tổ chức mà nhiều đời Tổng thống Mỹ không muốn buông tay, hay nói cách khác WTO chính là cầu nối cho sức mạnh thương mại của Mỹ.

Động thái này hoàn toàn khớp với cú bẻ lái chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời Biden: Mỹ không khoan nhượng với Bắc Kinh, nhưng không đơn độc trong cuộc chiến này và tìm mọi cách quy tập các đồng minh của mình trên mọi mặt trận.

WTO trở về như cũ?

Thực tế cho thấy, vai trò của WTO rất nhạt nhòa trong việc hóa giải tranh chấp thương mại ở quy mô toàn cầu, trong đó cuộc chiến Mỹ – Trung là một ví dụ điển hình. Mỹ là nước nộp đơn kiện nhiều nhất và cũng là thành viên có ảnh hưởng lớn nhất trong tổ chức này.

WTO hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, lá phiếu của các thành viên có giá trị ngang hàng, đây là điều khác biệt so với IMF hay WB. Khi có tranh chấp, WTO sẽ áp dụng cơ chế đồng thuận phủ quyết, nghĩa là mọi quyết định chỉ không được thông qua khi tất cả thành viên bỏ phiếu không thông qua.

Điểm yếu của nguyên tắc này là… rất khó đi đến quyết định cuối cùng trong mỗi vụ tranh chấp. Đây là nguyên tắc được kế thừa từ tổ chức phôi thai của WTO là GATT. Chính vì lẽ đó, cải cách là nhiệm vụ không thể trì hoãn nếu WTO thực sự muốn tồn tại.

WTO vừa có nữ Tổng giám đốc mới người Nigeria, bà được sự ủng hộ nhiệt thành từ ông Biden, dĩ nhiên thông điệp của đôi bên hoàn toàn hợp nhau. Nhưng bây giờ không phải là thập kỷ trước, Trung Quốc sẵn sàng ăn thua đủ với Mỹ; EU cũng đã có những toan tính riêng.

Cán cân thương mại toàn cầu đã thay đổi sau cú đứt gãy chuỗi cung ứng nghiêm trọng vì dịch bệnh COVID-19 và đổ vỡ quan hệ Mỹ-Trung. Vì vậy, việc cải tổ WTO theo ý muốn của bên nào đều bất khả thi.

Ngoài ra, một vấn đề đặt ra là tính đa phương và ủng hộ thuyết thị trường tự do của WTO còn phù hợp với bối cảnh hiện nay không khi mà các trục kinh tế, thương mại lớn đang phân mảnh, đồng thời nhiều liên minh mới ra đời theo hướng chuyên sâu lẫn đa nhiệm?

Trương Khắc trà