Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Washington sẽ dành gần 1,5 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển trí thông minh nhân tạo trong 5 năm tiếp theo để chiến thắng trong cuộc đua AI với Trung Quốc.
Theo Nikkei, tại hội thảo quốc tế ngày 13/7 do Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về Trí tuệ nhân tạo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhấn mạnh “trong ĩnh vực AI, cũng như những lĩnh vực khác, Mỹ cần hiểu Trung Quốc là thách thức. Mỹ sẽ cạnh tranh để thắng, nhưng chúng ta sẽ thực hiện điều đó theo cách đúng đắn”.
Đồng thời, ông Austin cũng khẳng định, hoạt động sử dụng công nghệ AI cần mang tính “trách nhiệm, công bằng, có thể truy vết, đáng tin cậy, và có thể được kiểm soát”.
Tương tự, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong những tuần tới, Bộ Ngoại giao sẽ đưa ra chiến lược sử dụng dữ liệu hiệu quả trong chính sách đối ngoại. Những dữ liệu này có thể giúp Bộ Ngoại giao Mỹ dự đoán nơi nào sẽ xảy ra nội chiến, nạn đói, hoặc khủng hoảng kinh tế cùng cách phản ứng hiệu quả hơn.
Theo các nhà quan sát nhận định, hiện nay Mỹ đang ở vị thế dẫn đầu trong cuộc đua AI. Và rất khó có quốc gia nào có thể vượt qua Washington, ngoại trừ Trung Quốc. Không giống như ở các nền kinh tế phát triển phương Tây, các doanh nghiệp chính là chủ sở hữu chính của các bằng sáng chế AI. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, phần lớn các bằng sáng chế AI đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu, hầu hết trong số đó là do chính phủ sở hữu hoặc tài trợ.
Trong những năm gần đây, để đạt được những bước phát triển trong cuộc đua AI với Mỹ, Bắc Kinh đã đưa ra những chính sách tập trung cao độ và các khoản trợ cấp lớn vào lĩnh vực công nghệ, cùng kế hoạch phát triển nhằm đưa nước này lên vị trí dẫn đầu ngành AI trước năm 2030, trong đó đầu tư hàng tỷ USD cho các startup và cơ sở nghiên cứu và được củng cố bởi các mục tiêu cụ thể, khắt khe.
Các chuyên gia nhận định, Trung Quốc có kế hoạch “đi tắt đón đầu” để thống trị công nghệ của thế kỷ mới, nhằm mang lại quyền lực kinh tế và vị thế dẫn đầu cho Trung Quốc, giống như cách mà cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên đã đưa nước Anh lên vị thế cường quốc toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai cho phép Mỹ thay thế Anh giữ vị trí tiên phong.
Theo Daniel Castro, Giám đốc của Trung tâm Đổi mới Dữ liệu nhận định, chiến lược tập trung của Trung Quốc đã cho phép quốc gia này đi trước Hoa Kỳ trong một vài lĩnh vực như công nghệ nhận diện khuôn mặt. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là quốc gia này sẽ dễ dàng vượt qua Mỹ.
Ông Castro cho biết, vấn đề lớn nhất mà Trung Quốc đang gặp phải khi nói đến AI là thiếu sự đổi mới. Nhu cầu công nghệ AI, học sâu (deep learning) ở quốc gia nay đang ở mức cao nhất mọi thời đại đối với, nhưng xu hướng xã hội này không mang lại sự đột phá.
“Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ đổ nhiều tiền hơn vào nghiên cứu và sản xuất, nhưng chính phủ Mỹ vẫn chi nhiều tiền cho AI quốc phòng hơn và các doanh nghiệp Mỹ chi nhiều tiền hơn cho các nghiên cứu tiên tiến hơn các công ty Trung Quốc”, chuyên gia này cho biết.
Nói một cách đơn giản, tại Mỹ, các nghiên cứu mang tính đột phá về AI có xu hướng đến từ các công ty công nghệ lớn với kho quỹ đủ lớn để mua siêu máy tính và mức lương đủ cao để thu hút những người sáng giá nhất trong giới học thuật.
Nhưng điều này sẽ khó xảy ra ở Trung Quốc khi các nguồn vốn đầu tư cho AI lại từ chính phủ. Sẽ rất khó để giới nghiên cứu Trung Quốc theo kịp công nghệ lớn ở Mỹ cho dù họ có thể tạo ra hoặc thu được bao nhiêu dữ liệu. Và nếu các khoản đầu tư lớn của chính phủ không mang lại hiệu quả, Trung Quốc có thể thụt lùi so với Mỹ trong cuộc đua AI.
Hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài để củng cố sức mạnh nội địa. Điều này có khả năng dẫn đến việc cuộc chạy đua giữa hai nước trong việc sáng tạo công nghệ AI trong các lĩnh vực kinh tế và quân sự trong tương lai.
Cẩm Anh