tau_cho_khi_lng-1

Châu Âu đối mặt với khủng hoảng năng lượng trầm trọng

Châu Âu đang nếm trải “mùa đông đắt đỏ” khi giá năng lượng liên tục vượt đỉnh tại Anh và Hà Lan, lúc cao điểm trên toàn châu lục người dân phải chi ra số tiền hơn 600% so với bình thường để mua nhiên liệu.

Khoảng 40% nguồn cung khí đốt cho “lục địa già” đến từ Nga thông qua đường ống “dòng chảy phương Bắc” cũ. Dự án “dòng chảy phương Bắc 2” với quy mô gấp đôi nối Nga với Đức, bỏ qua trạm trung chuyển Ukraina gần như hoàn thành nhưng chưa thể vận hành do sức ép từ Mỹ.

Tháng 8/2021 Mỹ và các nước nhỏ ở Đông Âu như: Estonia, Cộng hòa Séc, Ireland, Latvia, Ba Lan, Ukraine, Litva thông qua tuyên bố chung phản đối đến cùng “dòng chảy phương Bắc 2”.

Một trong những nội dung trọng yếu của tuyên bố này là, đường ống của Nga chẳng khác nào dự án “địa chính trị” nhằm mục đích gia tăng ảnh hưởng ở châu Âu, thống trị thị trường năng lượng.

Washington rất biết cách sử dụng các đồng minh quân sự tại châu Âu, sát vách Nga để ngăn chặn sự bành trường của Moscow trên thị trường năng lượng toàn cầu. Nên nhớ Mỹ đang cấm vận Nga sau sự vụ Crimea 2014.

Việc can thiệp vào lĩnh vực kinh tế năng lượng của Nga là động cơ rất có mục đích của Mỹ. Kinh tế xứ “bạch dương” phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt, nguồn tài nguyên này góp phần lớn cho tăng trưởng GDP, thu ngân sách.

Gần đây, sau các diễn biến tại Biển Đen và Ukraina, Liên minh châu Âu (EU) để ngỏ khả năng áp thêm lệnh cấm vận nếu như Nga dùng vũ lực khuất phục Kiev. Moscow đáp lại bằng cách hạn chế bán năng lượng cho EU, gây ra cái lạnh thấu xương!

Timothy Ash, một chiến lược gia tại công ty Bluebay Asset Management bình luận: “Rõ ràng Nga đã khống chế được châu Âu trong vấn đề năng lượng và châu Âu quá yếu để thể có thể thoát khỏi hay làm bất kỳ điều gì khác”.

lead-9-800x450-4630-6007

“Dòng chảy phương Bắc 2” chưa thể hoạt động

Cũng có thể ông Putin muốn cho EU nếm mùi khủng hoảng năng lượng để Berlin nhận thấy tầm quan trọng của “dòng chảy phương Bắc 2”. Không chỉ cái lạnh bình thường, gánh nặng còn đè lên khả năng phục hồi kinh tế, gây áp lực lên các chính phủ như phong trào “áo vàng” ở Pháp, bạo loạn Kazakhstan mới đây.

Moscow muốn EU cam kết mua khí đốt bằng hợp đồng dài hạn, còn Brussel không muốn như vậy. Rõ ràng châu Âu vừa muốn có khí đốt vừa không muốn phụ thuộc chặt vào Nga. Liệu có được?

Trong chuyện này Washington đóng góp vai trò và hưởng lợi không ít. Tàu chở khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ sang châu Âu tăng 50% trong vài tháng gần đây. Nhưng châu Á cũng là ưu tiên của Mỹ trong các dự án năng lượng. Với diễn biến này Mỹ sẽ trở thành nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới.

Tất nhiên đằng sau năng lượng là quân bài “địa chính trị”. Thông qua năng lượng Mỹ khẳng định tầm quan trọng của họ với châu Âu. Đặc biệt ngành công nghiệp khí đá phiến đã phát huy công dụng giúp nước này tiếp tục giữ ngôi vương công nghiệp năng lượng toàn cầu.

Trương Khắc Trà