Bộ trưởng Thương mại Mỹ gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

Ngày 29/8, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Gina Raimondo kết thúc chuyến thăm 4 ngày đến Trung Quốc với nhiệm vụ khơi thông lại luồng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bà gặp gỡ hầu hết lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, nhưng cuối cùng vẫn không đạt được bước tiến nào đáng kể.

Đây chỉ là một trong chuỗi chương trình ngoại giao mà Nhà trắng sử dụng trong vài tháng qua- rất nhiều quan chức hàng đầu đã đến Trung Quốc. Trước đó là Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Ngoại trưởng Antony Blinken và Đại sứ khí hậu John Kerry, nhà ngoại giao kỳ cựu Henry Kissinger. Không loại trừ tại thượng đỉnh G20 sắp tới tại Ấn Độ, ông Joe Biden sẽ cuộc gặp bên lề với ông Tập Cận Bình.

Washington còn được cho là đánh tiếng mời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sang Mỹ, nhưng Bắc Kinh chưa hồi đáp. Nếu nhìn thoáng qua, đây là loạt động thái có biểu hiện “xuống thang” của Mỹ trước Trung Quốc. Vậy, thực sự Nhà trắng đang muốn gì?

Phải thấy rằng, dù Tổng thống Joe Biden cử rất nhiều quan chức đến Trung Quốc nhưng chính sách rường cột của ông với Bắc Kinh vẫn không thay đổi, như thuế quan Mục 301, chính sách bán dẫn, hạn chế đầu tư và trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc.

Nói đúng hơn, Mỹ không lấy sự nới lỏng chính sách để làm quà mang tới Trung Quốc. Các chuyến thăm cấp Bộ trưởng của Mỹ nhằm chứng minh cho thế giới thấy chính giới Mỹ không chủ trương tách rời Trung Quốc, chia đôi thế giới – luồng quan điểm dấy lên gần đây khi khối BRICS đẩy mạnh chương trình nghị sự. Nhưng, vì sao ông Biden phải làm như vậy?

Thực trạng chia rẽ thế giới là hiện thực, với sự nổi lên của các quốc gia Nam bán cầu, đại diện cho một cực mới trong thế giới chưa hoàn toàn đa cực – khiến vai trò của Mỹ bị suy giảm, sản sinh thêm đối trọng buộc Washington tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn để đối phó.

Chính vì vậy, Mỹ đã sử dụng “bàn tay sắt bọc nhung” hy vọng có thể “nắn” Trung Quốc theo trật tự do họ định đoạt. Và rằng, đây cũng là thông điệp thể hiện một nước Mỹ tôn trọng chủ nghĩa đa phương, không cản trở toàn cầu hóa. Cuối cùng, điều đó có ý nghĩa làm hấp dẫn trở lại hình ảnh Mỹ, đủ khả năng dẫn dắt thế giới.

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc bên lề Thượng đỉnh G20 năm 2022

Dẫu vậy, các nhà quan sát cho rằng, quan hệ Trung – Mỹ suy yếu trầm trọng đến mức không thể vãn hồi. Vấn đề là Trung Quốc nhận thấy rằng, họ đủ khả năng để cấu trúc một trật tự thế giới mới với rất nhiều quốc gia phía Nam bán cầu. Như thế sẽ tránh được rủi ro chiến lược.

Bài học của Nga, Iran, Venezuela, Triều Tiên và một số nước Trung Đông quá rõ ràng. Việc bị khống chế bởi một đồng tiền quyền lực, hệ thống tài chính do Mỹ điều khiển và sức mạnh quân sự sẵn sàng áp chế,…giúp Mỹ và phương Tây “ra đòn” với bất cứ chính thể nào mà họ muốn.

Cho dù Mỹ có dỡ hết lệnh cấm vận thương mại, công nghệ thì Bắc Kinh cũng đã đi khá xa trên lộ trình “đa cực hóa” thế giới. Điều này là không thể đảo ngược, không phụ thuộc vào ý muốn của người Mỹ.

Trương Khắc Trà