Chuyển tới nội dung

Muốn lan tỏa thương hiệu, doanh nghiệp phải “biết kể chuyện”

Một trong những nguyên lý “vàng” để truyền thông thương hiệu là thổi hồn vào thương hiệu, lồng ghép vào thông điệp truyền thông các câu chuyện thú vị, ý nghĩa, nhiều cảm xúc, để khách hàng hứng thú và nhớ lâu.

Không phải ngẫu nhiên mà mỗi đoạn quảng cáo thương mại trên truyền hình (TVC) đều có một câu chuyện và một kịch bản ẩn chứa sau đó (storyboard). Nếu bạn xem một đoạn quảng cáo 30 giây trên truyền hình, bạn sẽ thấy dù là rất ngắn (chỉ có nửa phút), nhưng bạn vẫn thấy luôn có một kịch bản nào đó cho đoạn quảng cáo đó.

Kịch bản, hay câu chuyện đó có thể là một đứa trẻ đang chơi thể thao ngoài sân, bị té ngã, quần áo lấm bẩn, nó lúng túng nhìn mẹ, người mẹ bảo con cứ vui chơi thỏa thích đi, quần áo lấm bẩn đã có bột giặt X này giải quyết sạch sẽ cho con… Đó là câu chuyện được lồng ghép trong khi quảng cáo về một thương hiệu bột giặt.

quang cao

Khai thác khía cạnh tình cảm, đoàn viên, quảng cáo của một thương dầu ăn đã chạm tới trái tim của khán giả.

Câu chuyện có thể là một hành khách có những trải nghiệm tuyệt vời trên một chuyến bay và hài lòng khi nói về thương hiệu của hãng hàng không. Câu chuyện có thể kể về những người nông dân hạnh phúc khi được trồng, chăm bón cho vườn cà phê, và cung cấp cà phê làm nguyên liệu cho một nhà máy cà phê để cho ra đời những cốc cà phê thơm lừng, hấp dẫn của một nhãn hàng cà phê…

Những thương hiệu thành công thường là nhờ các doanh nghiệp biết viết nên những câu chuyện thật hay về sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu, và có thể cả về người chủ, khách hàng, đối tác, nhà cung cấp của nó. Câu chuyện càng gợi cảm xúc (emotion) tích cực, như ở trên đã nói, thương hiệu càng dễ thành công.

hut

Những câu chuyện giàu cảm xúc mới thổi hồn vào sản phẩm và thương hiệu, “hút” khách

Chuỗi cà phê có câu chuyện của chuỗi cà phê. Chuỗi nhà hàng có câu chuyện của chuỗi nhà hàng. Một thương hiệu ô tô có câu chuyện của những chiếc ô tô. Một thương hiệu thời trang có câu chuyện về những mốt thời trang. Ngay cả một thương hiệu nước mắm cũng có những câu chuyện về vùng cá nguyên liệu và niềm đam mê của những người làm nước mắm…

Chính những câu chuyện được viết lên, và được lồng ghép vào các chiến dịch truyền thông, mới thổi hồn vào sản phẩm và thương hiệu. Không có câu chuyện, sản phẩm là vô tri, thương hiệu thì thô cứng, vô hồn, không tạo được cảm xúc. Không có cảm xúc thì không có tình cảm. Không có tình cảm thì không có sợi dây vô hình kết nối thương hiệu với khách hàng. Không có sự kết nối, không có mối quan hệ và không còn sự liên tưởng. Không có sự liên tưởng, không tạo ra nhận thức, Thương hiệu sẽ dần đi vào thất bại!

Nguyễn Hữu Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved