Mỗi thiết kế đều ẩn chứa ngụ ý kể chuyện của các thương hiệu.
Các siêu thị đều có bố cục khá giống nhau. Khi bước vào, người tiêu dùng đầu tiên sẽ thấy một hàng quầy thu ngân, xe đẩy, các dãy bán những loại đồ ăn trẻ em thích như Choco Krispis hay Coco Pops.
Tuy nhiên không lâu trước đây, Esselunga, một chuỗi siêu thị ở Ý, đã quyết định thay đổi bố cục các cửa hàng của mình, bằng cách “xoay 90 độ”, chuyển quầy thu ngân sang bên phải. Vậy là giờ đây khi bước vào siêu thị Esselunga, điều đầu tiên mà người dùng thấy không phải là sự xô bồ của dòng người thanh toán nữa, mà là:
- Một căn bếp có vách kính, những người thợ bánh mì lấy những mẻ bánh mới thơm phức từ lò nướng
- Một nhà hàng mini trong siêu thị, có các đầu bếp đội mũ trắng đang chế biến món ăn
- Màn hình video lớn trên tường chiếu hình các nhân viên ở nhà máy sản xuất đang kiểm tra các bánh phô mai và những loại thực phẩm khác.
Mark Landini, giám đốc sáng tạo của Landini Associates, studio thiết kế có trụ sở tại Sydney đã từng hợp tác với McDonald’s và Aldi, cho biết trước đây Esselunga bố trí gian bếp và quầy nướng ở phía sau, khách hàng không thể nhìn thấy. Trong khi đó quầy bếp là một điểm nổi trội của Esselunga, nơi họ tự làm ra các món ăn. May mắn thay hiện giờ họ đã thay đổi, đã cho khách hàng tận mắt thấy những món ăn tươi mới. Đó là một cách kể chuyện.
Kể chuyện cũng là một nét đặc trưng trong những sản phẩm của Landini. Chẳng hạn một cửa hàng Burt Bees (thương hiệu mỹ phẩm từ sáp ong) ở Hong Kong do Landidi thiết kế, có một bức ảnh rất lớn ghi lại hình ảnh người đồng sáng lập Burt Shavitz đang chăm sóc các con ong. Các bức tường được làm từ ván lợp tái chế gợi nhớ về căn lều của Burt, hoặc ánh sáng vàng tràn ngập cửa hàng khiến người ta có cảm giác như thật sự ở trong một tổ ong.
Đó chỉ là một trong những ví dụ của việc các cửa hàng bán lẻ dùng những yếu tố thiết kế để kể câu chuyện về quá khứ, niềm đam mê và câu chuyện của thương hiệu. Bởi vì hiện nay, thương hiệu không chỉ muốn “kiếm tiền” từ khách hàng, mà còn muốn kết nối với khách hàng.
Chẳng hạn Body Shop mở một cửa hàng mới ở đường Oxford, London năm 2019 nhằm kỷ niệm các hoạt động của người sáng lập quá cố Anita Roddick. Cửa hàng này có một “khu vực hoạt động”, nơi khách hàng có thể quảng bá những hoạt động yêu thích của họ và đóng góp vào tổ chức Bloody Good Period, nơi cung cấp sản phẩm chăm sóc phụ nữ cho những người không đủ khả năng chi trả.
Hoặc bản thiết kế lại cửa hàng North Face ra mắt lần đầu tại Soho năm 2019 trưng bày các di sản của thương hiệu này, bao gồm một chiếc túi vải thô rách từng được Conrad Anker sử dụng đi khắp thế giới với tư cách trưởng đoàn leo núi North Face, hoặc một chiếc túi ngủ mà nhà leo núi Emily Harrington từng sử dụng khi mắc kẹt một đêm trên núi.
Cũng tại Soho năm 2019, thương hiệu Muji (Nhật Bản) dựng một cửa hàng pop-up giống như là một phòng triển lãm nghệ thuật, trưng bày những áp phích đóng khung với dòng chữ đi kèm được tạo bởi cố nghệ sĩ Ikko Tanaka, giám đốc sáng tạo giai đoạn 1980 – 2001 của thương hiệu.
Theo Scott Denton-Cardew, giám đốc sáng tạo và điều hành của Denton Cardew Design, công ty tư vấn thiết kế bán lẻ từng hợp tác với Levi’s và Nike, việc dành không gian trong cửa hàng để kết nối với khách hàng là một chiến lược phù hợp và có giá trị. Tuy nhiên quan trọng là các thương hiệu cần đảm bảo tất cả những chi tiết họ chia sẻ đều được kiểm tra kỹ lưỡng và thể hiện những mục đích nhất định.
Quân Bảo