moiquantam

 

Đội ngũ sáng lập

500 Startups Vietnam, Hustle Fund, Genesia Ventures… là những quỹ đầu tư vào giai đoạn đầu của start-up nổi bật tại Việt Nam. Sau khi công bố hoàn tất một thương vụ, họ không chỉ giải ngân số vốn như thoả thuận, mà lao vào hỗ trợ start-up trong mọi khía cạnh còn ngổn ngang mà dự án khởi nghiệp đang đối mặt. Trong đó, mối quan tâm hàng đầu của các quỹ là đội ngũ nòng cốt trong start-up có năng lực hay không.

Chẳng hạn, Hustle Fund không chỉ đầu tư ở giai đoạn sớm nhất (pre-seed/seed), mà còn đồng hành chặt chẽ, hỗ trợ đội ngũ sáng lập trong giai đoạn ra mắt sản phẩm và phát triển thị trường. Không quan tâm đến màu da, giới tính, tuổi tác, trường đại học, hay xuất phát điểm của đội ngũ sáng lập, Quỹ chú ý tới khả năng “hustle” của họ (tạm dịch là khả năng tập trung, biến không thành có một cách nhanh chóng).

Hustle Fund tạo ra các chương trình đào tạo, kết nối để đội ngũ sáng lập start-up học hỏi, trao đổi với các chuyên gia và nhà khởi nghiệp thành công ở các quốc gia. Thông qua buổi chia sẻ trực tuyến và các bài viết cung cấp thông tin về các chủ đề, Quỹ chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và phân tích đường lối đúng đắn hoặc sai lầm của những start-up có định giá trên 1 tỷ USD.

Theo bà Thảo Nguyễn, phụ trách đầu tư tại 500 Startups Việt Nam, có nhiều yếu tố để các nhà đầu tư chốt một thương vụ. Trong bộ tiêu chí đánh giá của quỹ này, con người là yếu tố quan trọng nhất. Đồng thời, Quỹ sẽ tìm kiếm câu trả lời về khả năng phù hợp của đội ngũ sáng lập trong thị trường mà start-up đang tham gia.

“Họ có những góc nhìn, sự am hiểu độc đáo về thị trường hay không? Tại sao lúc này lại là thời điểm phù hợp nhất để thành lập công ty? Tiềm năng tăng trưởng của thị trường cũng như mức độ cạnh tranh ra sao? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi luôn muốn tìm được câu trả lời ở dự án khởi nghiệp”, bà Thảo Nguyễn chia sẻ.

Cũng liên quan đến con người, các quỹ thường không bỏ qua thông tin về nền tảng giáo dục và quá trình làm việc của các nhà sáng lập. Việc giành chiến thắng trong các cuộc thi khởi nghiệp, được nhận vào các chương trình tăng tốc uy tín hay bất kỳ thành tích nào cũng có thể cho thấy năng lực của các nhà vận hành.

Mức độ cam kết dài hạn của nhà sáng lập

Với các nhà đầu tư giai đoạn đầu, bà Thảo Nguyễn đánh giá, hầu hết đều đề nghị hoán đổi vốn đầu tư cho một lượng cổ phần nhỏ (từ 5-10%). Nếu nhà đầu tư muốn chiếm phần lớn số cổ phần, thì start-up có thể cân nhắc việc từ chối hợp tác, vì các nhà sáng lập mới là người vận hành chính của công ty, chứ không phải là các nhà đầu tư.

Vì vậy, bà Thảo Nguyễn đã từ chối nhiều công ty khởi nghiệp khi nhận thấy trong cơ cấu cổ đông ở giai đoạn đầu, nhà sáng lập toàn thời gian chỉ nắm giữ 20-30% vốn. Việc các quỹ nắm giữ lượng nhỏ cổ phần còn giúp dự án trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư ở giai đoạn sau này, đồng thời giúp đội ngũ sáng lập và điều hành công ty không bị pha loãng cổ phần quá nhiều.

“Đội ngũ sáng lập là người sẽ làm 99% các công việc để duy trì sự phát triển của doanh nghiệp và đóng góp đến 95% các giá trị thành công của một dự án. Không thể để cổ phần của họ ở mức quá ít và họ không có động lực để đi lâu dài với dự án”, bà Thảo Nguyễn chia sẻ.

Đại dịch không làm thay đổi các tiêu chí đánh giá start-up của nhà đầu tư. Qua các làn sóng dịch bệnh, năng lực vận hành của các nhà sáng lập cũng như đội ngũ nòng cốt của mỗi dự án còn được bộc lộ rõ nhất thông qua khả năng xoay xở với tình hình. Như vậy, các nhà đầu tư có thêm cơ hội để quan sát kỹ hơn những người mà mình sẽ đầu tư vào.

Genesia Ventures vừa chốt một thương vụ đầu tư dựa trên câu chuyện “mưa dầm thấm lâu”. Nghĩa là các nhà sáng lập thường xuyên cập nhật thông tin với Quỹ cũng như những thách thức họ đang đối mặt và cách giải quyết. Theo bà Hoàng Thị Kim Dung, chuyên viên đầu tư tại Genesia Ventures, chăm chỉ cập nhật thông tin là chiến lược thông minh giúp “hâm nóng” mối quan hệ giữa các bên.

Theo BĐT