Không chỉ thành công trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, giao thông, hợp tác công tư còn là giải pháp hiệu quả trong chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng xanh tại các doanh nghiệp và địa phương.
Từ thực tế triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, theo lãnh đạo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, các chương trình CĐS có sử dụng ngân sách khó đạt hiệu quả cao nếu không thể bắt kịp tín hiệu của thị trường.
“Bắt sóng” tín hiệu thị trường
Theo ông Đỗ Tiến Thịnh – Phó Giám đốc NIC, “chuyển đổi số (CĐS) là con đường hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và xa hơn là giúp đạt các mục tiêu giảm phát thải hướng đến tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững. Với mục đích như vậy, những năm qua, NIC đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp CĐS. Tuy nhiên, qua tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm kiếm cách thức giải pháp đột phá, hữu hiệu cho CĐS với giá thành phù hợp. Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, có khoảng 60% doanh nghiệp không có đủ ngân sách phục vụ CĐS”.
Phương thức hỗ trợ hiệu quả hơn đang được NIC thực hiện là hợp tác công tư hỗ trợ CĐS. “Chúng tôi làm việc với các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp SME đến quy mô lớn để tìm hiểu nhu cầu đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. “Đầu bài” này của doanh nghiệp được chuyển đến các đơn vị cung cấp giải pháp trong và ngoài nước để tìm kiếm các giải pháp công nghệ phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Nhà nước hỗ trợ theo hướng tín hiệu thị trường, doanh nghiệp CĐS cần gì then chốt nhất chúng tôi sẽ thực hiện” – ông Đỗ Tiến Thịnh cho hay.
Thông qua kết nối của NIC, nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp CĐS theo chuyên đề đã được NIC phối hợp với đối tác là các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ triển khai. Đó là chương trình đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại các nhà máy sản xuất hướng tới xây dựng doanh nghiệp xanh và thông minh.
Thực tế từ chương trình này, nhiều gói giải pháp công nghệ được giới thiệu và các nhà máy lựa chọn dựa trên nhu cầu và điều kiện thực tế. Có giải pháp trị giá vài trăm triệu đồng đã có thể giải quyết điểm nghẽn CĐS của doanh nghiệp sản xuất.
Mở rộng tư duy đầu tư PPP
Trong khi hợp tác công tư hỗ trợ CĐS được thực hiện hiệu quả giữa các doanh nghiệp thì ở khối doanh nghiệp công nghệ với các địa phương lại chưa có các hoạt động kết nối, hợp tác. Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, từ khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 được ban hành đến nay, hiện có dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với nhà cung cấp giải pháp công nghệ được thực hiện; nhiều bộ ngành và địa phương gần như chưa triển khai.
Theo phân tích của các chuyên gia tại NIC, rào cản trong kết nối giữa doanh nghiệp và địa phương tập trung ở 2 vấn đề. Thứ nhất, trong CĐS, hợp tác công tư theo mô hình dự án như thiết kế hiện nay không đảm bảo lợi nhuận cần thiết cho các doanh nghiệp khi tham gia với các cơ quan nhà nước. Đây là rào cản chính bởi ở các lĩnh vực hợp tác PPP trong đầu tư xây dựng hạ tầng, bài toán lợi nhuận được “cân đong đo đếm” rõ ràng.
Thứ hai, hiện nay, chúng ta quá chú trọng hợp tác PPP trong xây dựng dự án. Thực ra, hợp tác PPP cần tư duy tổng thể hơn theo hướng đây là sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân cùng nhau bỏ tiền để giải quyết vấn đề và mang lại lợi ích. Cách hiểu, cách tư duy này rộng hơn cách thực hiện dự án, không nhấn mạnh quá nhiều vào “đầu tư” như đang thực hiện mà cần mở rộng hơn sẽ hỗ trợ cho phát triển.
Với tư duy này, câu chuyện thành công trong CĐS của tỉnh Thừa Thiên Huế là điển hình cho kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và chính quyền. Tập đoàn công nghệ Viettel đã hợp tác xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) tại Huế góp phần tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng minh bạch, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp công nghệ. Là đối tác của tỉnh Thừa Thiên Huế, lợi nhuận Viettel nhận được không phải là số tiền cụ thể mà là cơ hội để Viettel thí điểm giải pháp, từ đó thương mại hoá, chuyển giao cho các địa phương khác để mang về lợi nhuận.
Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới như Estonia, Singapore… đã thực hiện thành công CĐS, ông Pavel Poskakukhin – Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số của EuroCham nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác PPP hỗ trợ chuyển đổi số. Đặc biệt, với dự án lớn ở cấp độ quốc gia và các địa phương, không có doanh nghiệp riêng lẻ hay chính quyền có thể đầu tư giải pháp công nghệ mang lại lợi ích cho nền kinh tế mà cần có hợp tác PPP. Khi có nền tảng hạ tầng sẵn, doanh nghiệp khi CĐS cũng sẽ được hưởng lợi và chi phí bỏ ra không nhiều.
Ngoài ra, để hợp tác PPP trong CĐS, nhiều nước quyết tâm chuyển giao một số dịch vụ công cho khối tư nhân thực hiện, chẳng hạn như thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp được chuyển giao từ hơn 10 năm trước. Khi chuyển giao mới góp phần chuyển đổi số. Trong khi hiện nay tại Việt Nam, công việc này do các cấp chính quyền thực hiện.
Đức Hạnh