Khơi thông nguồn hàng, tổ chức lại hệ thống phân phối, tăng cường dự trữ hàng hóa, kiểm soát quản lý thị trường… là những điều cầm làm với hệ thống bán lẻ và siêu thị tại TPH.CM.
TP.HCM đã có nhiều cố gắng trong việc vượt qua khó khăn chưa bao giờ gặp phải. Tuy nhiên vì chưa có sự chuẩn bi đầy đủ cho đợt dịch phát sinh khá lớn này nên không thể tránh khỏi những khó khăn tất yếu.
Nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, TP.HCM đã đóng cửa 160/234 chợ, 3 chợ đầu mối. Trong khi chợ đầu mối Bình Điền đóng góp đến hơn 30% số lượng nông sản thực phẩm cho TP.HCM.
Việc này gây áp lực lớn cho hệ thống siêu thị, vì có tới 85 – 90% hàng nông sản thực phẩm tươi sống là do chợ truyền thống phục vụ. Trong khi siêu thị lại bán hàng theo hình thức “ăn đong”, không có kho dự trữ chiến lược số lượng lớn hàng thiết yếu.
Với lượng người đến mua đông sẽ nhanh chóng bị hết hàng, khiến người mua phải chờ đợi. Do dịch bệnh đang lây lan mạnh, một số người người đã lợi dụng “vét hàng” gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.
Hàng bình ổn mấy hôm nay lại đang nhận được đề nghị tăng giá, điều này là rất vô lý. Việc này sẽ “làm gương” cho tăng giá ngoài thị trường.
Do đó, chúng tôi nhận thấy, cung hàng hóa không thiếu, hàng được đưa từ các tỉnh vào TP.HCM rất lớn nhưng bị chia cắt đứt đoạn, do kiểm dịch, chi phí cao… Phía đầu cung hàng hóa rẻ nhưng khi vào đến TP.HCM thì bị bán đắt gấp 2-3 lần.
Đối với bán lẻ thì bị đứt đoạn, không liên tục, chỉ vài tiếng đã hết hàng, thậm chí trong đó có cả yếu tố “con buôn”. Từ đây gây ra xáo trộn tâm lý, tiểu thương bên ngoài lợi dụng ‘té nước theo mưa” đẩy giá lên cao. Đơn cử, giá trứng tăng gấp 1,5 lần, rau đắt bằng thịt…
Từ những bài học của TP.HCM để các tỉnh, thành khác trên cả nước khắc phục những gì địa phương còn đang khiếm khuyết. Để chuẩn bi tốt hơn cho công tác phục vụ khi dịch bùng phát như tại Hà Nội, mặc dù điều này không ai mong muốn.
Để giải quyết “thế khó” cho hệ thống bán lẻ và siêu thị tại TP.HCM cần phải có chiến lược trước mắt và lâu dài.
Thứ nhất, phải khơi thông “luồng xanh”. Hàng hóa được vận chuyển từ Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ về TP.HCM phải được niêm phong, kẹp chì, có dấu kiểm định và đi thẳng về nơi bán lẻ hoặc chợ đầu mối. Nghiêm cấm tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, mãi lộ dọc đường, đồng thời làm tốt công tác phòng dịch đối với các lái xe và hàng hóa ngay từ điểm bốc hàng.
Việc này phải được quy ước giống như một “bộ chỉ huy mặt trận”, có người chỉ huy, có luồng xanh không bị ai ngăn cản, nếu ngăn cản không có lý do sẽ bị kỷ luật. Làm như vậy thì hàng hóa mới nhanh chóng lưu thông.
Sẽ rất vô lý khi hàng hóa từ các nơi thì rẻ, nhưng khi đưa về TP.HCM thì đắt gấp 2-3 lần. Đây là điều không thể chấp nhận.
Thứ hai, khi hàng hóa đã thông thì việc tiếp theo là chống dịch triệt để tại các chợ để nhanh chóng cho mở cửa lại, cùng với một số siêu thị đã đóng trước đó.
Thứ ba, kết hợp đa kênh bán hàng. Bên cạnh hình thức bán trực tiếp thì triển khai mạnh hơn hình thức bán hàng online, giao hàng tại nhà để tránh tình trạng tập trung quá đông tại các chơ hay siêu thị.
Thứ tư, tận dụng các kho tàng, thậm chí các hội trường lớn có đủ điều kiện làm kho mát hoặc lắp đặt máy lạnh để dự trữ hàng hóa, đặc biệt với hàng tươi sống.
Về lâu dài phải tổ chức lại hệ thống phân phối thành chuỗi, tăng cường dự trữ chiến lược, gắn kết giữa sản xuất với phân phối, giảm bớt trung gian, tổ chức cải tạo lại hệ thống chợ…
Vũ Vinh Phú