Walmart, Big C hay Masan thành công nhờ không ngừng rút kinh nghiệm sau những thất bại.
Thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt và khốc liệt, việc xác định lại hoặc thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp là một trong những câu hỏi mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm ra câu trả lời. Dù muốn hay không, luôn có một chân lý “chỉ có một điều duy nhất không thay đổi, đó là sự thay đổi”.
Mô hình kinh doanh với thời gian đã thay đổi và thích nghi phù hợp với sự tiến hóa của nền kinh tế từ cách mạng 1.0 – cơ giới hóa đến cách mạng 5.0 – cá nhân hóa. Đại dịch Covid-19 vừa qua cũng là tác nhân không nhỏ đến việc chuyển đổi mô hình kinh doanh và quản trị doanh nghiệp trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Mô hình kinh doanh 1.0 đến 3.0
Walmart
Chuỗi bán lẻ giá rẻ hàng đầu trên thế giới, là một trong những công ty tư nhân thành công nhất nước Mỹ. Có nhiều yếu tố dẫn đến thành công này, trong đó có việc gần đây hãng đã sử dụng cấu trúc mô hình kinh doanh của Alexander Osterwalder (nhà nghiên cứu về mô hình kinh doanh, doanh nhân, diễn giả).
Áp dụng mô hình Osterwalder, đề xuất giá trị của Walmart dựa trên giải pháp cho khách hàng là giá rẻ mỗi ngày. Walmart không những bán hàng tiện nghi với nhiều chủng loại mà còn là nơi dừng chân mua sắm một lần, nơi khách hàng có thể mua từ cây kim, sợi chỉ đến hàng công nghiệp. Với đề xuất giá trị này, khách hàng sẽ tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Walmart cũng xây dựng hệ thống bán hàng trực tiếp. Hãng cũng thường xuyên trao đổi với khách hàng qua các phương tiện truyền thông chi phí thấp, đặc biệt là tận dụng triệt để mạng internet. Walmart thiết lập quan hệ khách hàng dựa trên cơ sở tự phục vụ và tự động hóa song song với việc kết hợp các sản phẩm cần thiết gần nhau.
Walmart phân loại khách hàng thành 3 nhóm chính: những người có thu thập thấp thích hàng hiệu, những người mua sắm giàu có nhưng thích giá rẻ và những người thích giá rẻ nhưng không thể mua nhiều. Walmart tập trung vào 3 hoạt động then chốt: Mua hàng hóa, phân phối và kiểm soát chi phí.
Nguồn lực then chốt của hãng bao gồm kho bãi và hậu cần, con người. Văn hóa công ty đề cao việc nhân viên cải thiện bản thân, kỷ luật và lòng trung thành. Hãng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với nhà cung ứng, xem họ như là một thành phần của chuỗi giá trị và tận dụng lợi thế mua nhiều với giá thấp. Thành công của Walmart là nhờ hãng đã áp dụng triệt để mô hình kinh doanh này vào hoạt động của từng cửa hàng bán lẻ.
Big C và Masan
Tại Việt Nam, chuỗi siêu thị Big C từng gặp phải rủi ro khi áp dụng mô hình bán lẻ với mục tiêu cung cấp các sản phẩm chất lượng và giá cao hoặc ngang bằng với Co.op Mart. Big C đã không thể tối ưu hóa được chi phí và lợi nhuận thấp dù đã từng thành công với mô hình này ở nhiều nước.
Tuy nhiên, những năm gần đây Big C đã chuyển hướng trở thành chuỗi siêu thị giá rẻ với nhiều khuyến mãi và có vẻ như đang cạnh tranh với Metro, mặc dù Metro chủ yếu là bán sỉ. Trong các chương trình truyền thông tích hợp, Big C là siêu thị có nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá nhất tại Việt Nam.
Với sự thay đổi mô hình kinh doanh, Big C đã phải tập trung vào việc thương lượng với nhà cung cấp một cách quyết liệt để có những hợp đồng giá tốt nhất. Thậm chí họ đã từ chối nhiều nhà cung cấp trong thời gian dài nếu đối tác không chấp nhận các điều khoản, quy định của họ. Với mô hình kinh doanh mới, Big C đã gặt hái được một số thành công nhất định.
Cũng như Big C, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan từng thất bại với mô hình kinh doanh bán lẻ. Công ty này sau đó đã tập trung sang ngành hàng tiêu dùng nhanh với sự thành công của sản phẩm nước tương và nước mắm. Masan đã đa dạng hóa sản phẩm với mì gói và cũng đã đạt được thành công đáng kể. Gần đây, Masan đã mở rộng mô hình kinh doanh theo hướng mua bán và sáp nhập, bằng cách mua lại phần lớn cổ phần của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), nước suối Vĩnh Hảo, thức ăn Proconco và nhiều thương hiệu khác. Gần đây nhất, Masan đã mua lại chuỗi bán lẻ Vinmart của Vingroup và xây dựng hệ thống bán lẻ kết hợp online và offline.
Mô hình kinh doanh 4.0
Walmart 4.0
Bước vào kỷ nguyên số hóa 4.0, Walmart ngày nay đã phối hợp các đội mua hàng cho trang web Walmart.com và các cửa hàng bán lẻ của công ty nhằm chuyển hướng e-commerce để có thể tối đa hóa lợi nhuận. Việc phối hợp này sẽ giúp tránh xung đột giá giữa các sản phẩm bán online và offline tại cửa hàng.
Cụ thể Walmart chia làm 6 đội: quần áo, hàng tiêu dùng, giải trí – đồ chơi, thực phẩm, mặt hàng cứng và hàng gia đình. Walmart đã gia tăng mạnh mẽ mảng e-commerce, đặc biệt là nhóm hàng tạp hóa được mua online ngày càng nhiều. Để có thể phục vụ mảng e-commerce tốt, Walmart phải đầu tư và thay đổi về công nghệ và chuỗi cung ứng, do vậy khoản đầu tư ban đầu tương đối cao và phải mất nhiều thời gian để có thể thu lại lợi nhuận.
Trong thời Covid-19, Walmart sử dụng lối đi di chuyển một chiều và các dấu hiệu để định hướng. Đồng thời tiếp tục có các bảng hiệu bên trong quầy để duy trì giãn cách xã hội và xếp hàng hợp lý. Khi khách hàng tính tiền xong sẽ được hướng dẫn lối đi ra để không phải đi ngang chạm mặt nhau. Hiện tại, Walmart thường xuyên tham vấn các chuyên gia y tế và khách hàng để phục vụ họ tốt hơn với ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe và an toàn cho mọi người.
Kỷ nguyên số 4.0 tại Việt Nam
Chia sẻ câu chuyện về học cách xây dựng thương hiệu trong thời đại kỹ thuật số tại Diễn đàn thương hiệu do Forbes Việt Nam tổ chức mới đây, ông Lê Quốc Việt – Phó chủ tịch Công ty NutiFood cho biết: ông đã mất hai năm nghiên cứu và đầu tư để xem kỹ thuật số là gì. NutiFood đã học hỏi đối tác và cả cách thức của đối thủ để đạt mục tiêu mong muốn là phát triển khách hàng mới, tương tác với khách hàng tốt hơn và làm sao để đo lường chỉ số về các nhóm khách hàng khác nhau.
Nhờ liên kết với Chính phủ thực hiện chương trình “Nâng tầm vóc Việt”, NutiFood có 1,5 triệu dữ liệu cập nhật các chỉ số về chiều cao, cân nặng, sức khỏe của thiếu nhi. Song song đó, NutiFood bắt đầu kết hợp các chương trình tiếp thị trực tuyến (online) với trực tiếp (offline), điển hình như chiến dịch kết hợp với Samsung: các bác sĩ của Nutifood đến khám sức khỏe và tư vấn cho khoảng 150.000 công nhân, từ đó đưa vào dữ liệu chăm sóc sức khỏe, quan tâm chia sẻ của nhãn hàng và nhiều người trong số họ đã trở thành khách hàng của NutiFood.
The Coffee House – chuỗi cà phê mới nổi này cũng đã chuyển đổi rất nhanh để phù hợp môi trường kinh doanh mới. Những chính sách mà The Coffee House xây dựng trong văn hóa làm việc đã lấy được lòng trung thành của nhân viên. Từ đó, duy trì sự tận tụy, nhiệt huyết, chân thành trong dịch vụ cũng như đảm bảo chất lượng đồng nhất của toàn hệ thống trong suốt quá trình vận hành.
“Lấy con người làm trung tâm” từ những điều nhỏ nhưng đã mang lại hiệu quả cực kì lớn. Từ niềm vui cho nhân viên đến sự hài lòng của khách hàng đã khiến họ trở thành địa điểm thân thuộc với nhiều người một cách tự nhiên.
Tất cả những điều trên đã tạo nên thành công của The Coffee House như hiện nay. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự trung thành của khách hàng chính là tạo mobile app. Chỉ cần bỏ ra chi phí vô cùng nhỏ, doanh nghiệp của bạn đã sở hữu một ứng dụng thông minh giống như quan cafe nổi tiếng trên với nhiều tính năng hữu ích.
Trên thế giới, cà phê Starbucks cũng là chuỗi cà phê đi đầu trong việc vận dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số sớm, nhờ vậy đã tạo lợi thế cạnh tranh khá tốt so với các đối thủ cùng ngành.
Mô hình kinh doanh 5.0
Công nghiệp 5.0 – 2020 chính là quá trình cá nhân hóa, là hợp tác giữa người và máy. Con người hợp tác với robot. Đòi hỏi công nhân phải có kỹ năng cao để phối hợp các công việc gia tăng giá trị. Doanh nghiệp phải có khả năng tùy biến và cá nhân hóa khách hàng với số lượng lớn.
Nền công nghiệp 5.0 kết hợp với 5G giúp doanh nghiệp từng bước: cải thiện chất lượng phục vụ, tạo ra các năng lực dịch vụ mới, cải thiện hiệu quả chi phí, hỗ trợ tạo khác biệt dịch vụ, cải thiện hiệu quả tạo ra dịch vụ, hỗ trợ khác biệt dịch vụ ở mọi cấp độ, gia tăng các kênh Marketing và bán hàng, gia tăng và đa dạng hóa các giải pháp lực chọn về giá, tăng cường tương tác cá nhân hóa, tiên liệu trước các sản phẩm, dịch vụ và giá trị cần đáp ứng.
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ và nền công nghiệp 5.0, các công nghệ đang được đánh giá có tác động lớn đến đời sống kinh tế – xã hội như 5G, Big Data, AI, IoT, bảo mật… Đây cũng là các cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với sự vực dậy nhanh chóng sau cuộc chiến chống Covid-19 và lực lượng trẻ hùng hậu trong lãnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, Việt Nam đang kỳ vọng sẽ có những bước tiến vượt bậc trong nền công nghiệp 5.0.
Điều duy nhất không thay đổi là sự thay đổi!
Có một đáp số chung là dường như để có được mô hình kinh doanh thành công, doanh nghiệp đã phải từng trải nghiệm, thất bại, rút kinh nghiệm rồi nâng cao năng lực và lại vươn lên. Như vậy, để hạn chế rủi ro trong quá trình thay đổi mô hình kinh doanh, doanh nghiệp cần phải có quy trình quản trị sự thay đổi và quản trị rủi ro.
Thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt và khốc liệt, do vậy việc xác định lại hoặc thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp là một trong những câu hỏi mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm ra câu trả lời. Dù muốn hay không, luôn có một chân lý “chỉ có một điều duy nhất không thay đổi, đó là sự thay đổi”. Doanh nghiệp nào sớm tìm ra và thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp trước đối thủ cạnh tranh thì sẽ chiếm giữ vị thế tiên phong và có cơ hội dẫn dắt thị trường.
Theo The Building Blocks