Các quán ăn, nhà hàng đòi bỏ app giao đồ ăn vì phải chịu phí quá cao. Các app lại than thở doanh thu không đủ bù đắp chi phí vận hành. Đây phải chăng là sự khủng hoảng của mô hình giao đồ ăn?
Trong thời gian gần đây, nhiều nhà hàng, quán ăn tại thị trường Việt Nam dần chia tay các ứng dụng giao đồ ăn vì họ cho rằng app “ăn quá dày”.
Chia sẻ trên truyền thông, một số chủ nhà hàng cho biết, lúc đầu, nhiều người hy vọng có thể biến bán hàng qua mạng làm kênh bán chủ chốt, vậy nên cứ mỗi quán thông thường đều đăng ký bán trên hầu hết các ứng dụng từ Baemin, GrabFood, GoFood đến ShopeeFood.
Những năm đầu, mức phí cho mỗi đơn hàng tầm 15 – 20%. Tuy nhiên đến nay, chiết khấu lên đến 25 – 27,5%. Đó còn chưa kể khoản tiền bỏ ra để quảng cáo, tạo mã giảm giá để có vị trí xuất hiện tốt hơn trên ứng dụng người dùng. Dần dần, các chi phí này khiến lợi nhuận của quán giảm. Vì thế, đang xảy ra tình trạng nhiều quán quyết định ngừng cộng tác với các ứng dụng.
Có chủ nhà hàng ước tính, mỗi đơn hàng nhà hàng chỉ lãi 2 – 5%, vì còn rất nhiều chi phí khác như mặt bằng, nhân viên, nguyên vật liệu, v.v.. Ngoài ra, phụ thuộc vào các app cũng khiến nhà hàng không nắm được dữ liệu khách hàng, mất đi kết nối trực tiếp với khách hàng. Một điều lợi bất cập hại.
Có nhà hàng phản ánh, hiện tại tình hình kinh doanh khó khăn, lượng đơn hàng giảm 20 – 30% so với mọi năm. Nếu phải chia sẻ thêm doanh thu cho các app, với mức chiết khấu lên đến 25%, thì doanh nghiệp sẽ khó sống. Vậy nên họ cũng đang cố giảm giao hàng qua app.
Không chỉ Việt Nam, tình trạng căng thẳng giữa nhà hàng với các app giao hàng cũng diễn ra từ lâu trên thế giới.
Chủ nhà hàng thường phàn nàn rằng các ứng dụng giao đồ ăn như Seamless, DoorDash hoặc Uber Beats có mức phí quá cao, thường đến 30% cho mỗi đơn hàng. Trong khi đó, lợi nhuận của mỗi đơn hàng không quá lớn. Vậy nên mức chiết khấu này có thể khiến các nhà hàng lao đao. Đó là còn chưa kể các nhà hàng không thể kiểm soát được dữ liệu khách hàng, cũng như cách thức đồ ăn được giao và trình bày trước mặt khách.
Trước tình trạng này, các bên đã có nhiều hành động cụ thể để khắc phục.
Về phía chính quyền, nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ bắt đầu đề ra mức trần chiết khấu mà các app có thể nhận được. Chẳng hạn ở Denver, New York hoặc Los Angeles, các quan chức bỏ phiếu bầu tán thành mức trần 15%.
Về phía bản thân các app, họ cũng có những cách khác nhau để “níu giữ” các nhà hàng, vì dù sao đây cũng là nguồn doanh thu chính của họ. Trong thời kỳ khủng hoảng vì đại dịch, thời điểm mà các app giao hàng ăn nên làm ra, họ đồng ý tạm thời giảm mức chiết khấu cho các nhà hàng. Có app cho phép người bán được quyền thương lượng lại mức chiết khấu.
Một số app cho các nhà hàng nhiều quyền kiểm soát hơn. Chẳng hạn DoorDash tung ra một sản phẩm mới mang tên DoorDash Storefront. Tại đây, các nhà hàng có thể tự xây dựng các cửa hàng online và chịu mức phí cố định, thay vì chiết khấu theo từng đơn hàng.
Về phía người bán, các biện pháp của họ càng đa dạng hơn, chủ yếu hướng đến mục tiêu không để việc kinh doanh phụ thuộc quá nhiều vào app.
Một vài nhà hàng lôi kéo khách đặt hàng trực tiếp với những ưu đãi đặc biệt. Chẳng hạn ba chi nhánh của pizza Motorino ở New York City tung khuyến mãi mua 2 miếng được tặng thêm 1 miếng nếu khách hàng đặt hàng trực tiếp qua điện thoại.
Hoặc cửa hàng 5 Napkin Burger ở New York gửi một tấm bưu thiếp cho các khách hàng dùng bữa tại chỗ, với nội dung khuyến khích khách đặt hàng trực tiếp, vì như vậy “nhà hàng sẽ nhận được nhiều lợi nhuận hơn”. Đồng thời, khách dùng bữa tại nhà hàng hoặc đặt trực tiếp có thể được nhận một phần burger đặc biệt trong ngày. Họ còn miễn phí giao hàng cho những đơn đặt qua website, thay vì đặt qua app của bên thứ ba.
Thậm chí có nhà hàng tự làm luôn mảng giao hàng. Chẳng hạn bà Ouita Michel, một đầu bếp và chủ nhà hàng ở Kentucky, đã quyết định cho các nhân viên đi giao hàng, thay vì hợp tác với bên thứ ba. Theo bà, quyết định này đến từ việc mô hình các nhà hàng của bà là từ nông trại đến bàn ăn, các nguyên liệu rất đắt đỏ và tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Vậy nên tự giao hàng sẽ giúp bà không phải chịu mức chiết khấu đắt đỏ. Ngoài ra, làm như vậy còn giúp bà kiểm soát được cách thức đồ ăn được trình bày trước mặt khác.
Trong khi các nhà hàng kêu than vì mức phí trên trời, thì các app giao hàng cũng than rằng doanh thu không đủ chi phí vận hành.
Mới đây nhất là người chơi đến từ Hàn Quốc, Baemin. Sau hơn ba năm hoạt động với nhiều chiến dịch truyền thông gây tiếng vang, giờ đây Baemin Việt Nam tuyên bố phải thu hẹp quy mô, thậm chí tính đến chuyện rời thị trường.
Đại diện các app cho rằng hiện nay trên thị trường, mảng giao đồ ăn có khá nhiều bên cạnh tranh. Do đó họ phải vung tiền khuyến mãi, quảng cáo nhằm chiếm thị trường. Thế nhưng khuyến mãi dần thì tiền cũng không đủ bù đắp. Một khi cắt giảm khuyến mãi, khách hàng lại dần rời xa. Đồng thời giờ đây kinh tế khó khăn, mọi người càng thắt lưng buộc bụng, sức mua cũng giảm. Kết quả là doanh thu các app sụt giảm rất mạnh và gặp thua lỗ. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà còn ở các thị trường phát triển như Hàn Quốc và Mỹ.
Như vậy, thực trạng hiện tại của mô hình giao đồ ăn chính là các nhà hàng thì từ bỏ app giao đồ ăn vì phí quá cao, còn app lại kêu doanh thu không đủ vận hành, thua lỗ, v.v.. Liệu đây có phải là những tín hiệu cho thấy dịch vụ giao đồ ăn, sau thời gian đầu bùng nổ, đã bắt đầu thấy khủng hoảng về mô hình vận hành?
Quân Bảo