Việc kiểm soát lưu thông hàng hoá, minh bạch chuỗi cung ứng bằng công nghệ truy xuất nguồn gốc là một trong những việc cần áp dụng đầu tiên trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh. Chuyển đổi số đang là một trong những việc làm cấp thiết nhất để doanh nghiệp kịp thời nâng cấp “tấm khiên” nhằm bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, là trang bị thêm các công cụ tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao hiệu quả toàn chuỗi cung ứng, quảng bá thương hiệu và chăm sóc khách hàng, người tiêu dùng.
Đại dịch Covid-19 và sự phát triển của công nghệ thông tin trong thời gian qua đã khiến cho thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu và đặc biệt là Việt Nam có sự chuyển mình mạnh mẽ. Người tiêu dùng Việt Nam dần đã quen thuộc hơn với thói quen mua sắm trực tuyến, mua hàng qua các sàn TMĐT, thậm chí qua các nền tảng trên mạng internet như mạng xã hội, website…
Tuy nhiên, chính vì vậy, thực trạng hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) càng trở nên phức tạp hơn. Theo dự báo của Bộ Công thương, tỷ lệ gian lận thương mại trên thương mại điện tử (TMĐT) sẽ chiếm tới 50 – 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung trong thời gian tới.
Chuyển đổi số đang là một trong những việc làm cấp thiết nhất để doanh nghiệp kịp thời nâng cấp “tấm khiên” nhằm bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, hàng nháihiệu quả hơn, đồng thời trang bị thêm các công cụ tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao hiệu quả toàn chuỗi cung ứng, quảng bá thương hiệu và chăm sóc khách hàng, người tiêu dùng.
“Việc kiểm soát lưu thông hàng hoá, minh bạch chuỗi cung ứng bằng công nghệ truy xuất nguồn gốc là một trong những việc cần áp dụng đầu tiên trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm, dược phẩm thực phẩm chức năng,…việc số hóa toàn bộ chuỗi cung ứng từ quy trình sản xuất, phân phối, các khâu chế biến, nguyên liệu bằng truy xuất nguồn gốc là vô cùng quan trọng”, ông Hồng nhấn mạnh.
Nhờ truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp có thể quản lý cũng như nắm bắt toàn bộ nội dung, quy trình các khâu sản xuất một cách nhanh chóng, chuyên nghiệp. Từ đó chủ động cải tiến khắc phục; cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất.
“Trong các trường hợp khẩn, khi mà các lô sản phẩm có vấn đề cần thu hồi gấp, công nghệ truy xuất nguồn gốc, số hoá sẽ giúp doanh nghiệp truy vết sản phẩm và thu hồi sản phẩm nhanh chóng, tránh các nguy cơ xấu có thể xảy ra”, ông Hồng cho biết.
Cũng theo ông Hồng, việc thu hồi sản phẩm nhờ truy xuất nguồn gốc mang lại hiệu quả rõ rệt nhất đó là trong xử lý ngộ độc thực phẩm. Nếu doanh nghiệp sớm biết đến và ứng dụng truy xuất nguồn gốc lên từng sản phẩm thì sẽ hạn chế được những trường hợp ngộ độc liên tục do không thu hồi sản phẩm kịp thời. Khi sử dụng truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp sẽ đồng thời quản lý hàng hóa và các địa điểm phân phối. Do đó, việc truy vết thu hồi sản phẩm “có vấn đề” sẽ được diễn ra một cách nhanh chóng và dễ dàng, tránh để xảy ra các hậu quả nặng nề.
Một lý do không thể bỏ qua buộc các doanh nghiệp phải bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong công tác chống hàng giả đó là xuất khẩu hàng hóa. Hiện nay, doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường; gia tăng xuất khẩu hàng hóa thì truy xuất nguồn gốc chống hàng giả chính là “tấm giấy thông hành” gần như bắt buộc không chỉ tại các thị trường khó tính như châu Âu; Mỹ; Nhật; Úc, ngay cả Trung Quốc cũng đang khắt khe hơn với hàng hóa của Việt Nam.
Các sản phẩm muốn xuất khẩu đi bắt buộc phải có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Điều này giúp họ kiểm soát chất lượng hàng hóa; ngăn chặn được các loại hàng hóa giả mạo, cũng như kém chất lượng thâm nhập vào thị trường bằng cách truy vết quy trình sản xuất toàn chuỗi cung ứng, đảm bảo tính minh bạch của sản phẩm.
Mặt khác, số hóa quy trình sản xuất bằng truy nguồn gốc cũng sẽ giúp hàng hóa Việt Nam ngăn chặn rủi ro gian lận thương mại của các loại hàng hóa kém chất lượng từ các doanh nghiệp không chính thống và các quốc gia khác. Trên thực tế, các giải pháp chống hàng giả nền tảng số hiện không dừng lại ở bảo vệ thương hiệu sản phẩm, mà còn là công cụ quản trị hàng hoá, chăm sóc khách hàng và quảng bá thương hiệu.
Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn hoặc các công ty nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, đã và đang chọn sử dụng các giải pháp chống hàng giả áp dụng nền tảng số hơn là chỉ công nghệ chống giả đơn thuần.
Theo thống kê của Vina CHG – nhà cung cấp giải pháp chống hàng giả, hiện có đến hơn 80% khách hàng đang áp dụng giải pháp bảo vệ thương hiệu nền tảng số như tem chống giả xác thực điện tử SMS, tem truy xuất nguồn gốc QR tích hợp phần mềm truy vết lưu thông hàng hoá…
“Chuyển đổi số trong chống hàng giả là việc làm cấp bách và quan trọng, do vậy doanh nghiệp cần thực hiện càng sớm càng tốt, để không bị tụt hậu trong cuộc đua chuyển đổi số, đặc biệt là kinh tế số trên phạm vi toàn cầu. Áp dụng chuyển đổi số trong công tác chống hàng giả sẽ là bước đệm vững chắc để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp bứt phá trong bối cảnh thị trường đang dịch chuyển trên không gian số như hiện nay”, ông Hồng cho hay.
Minh Ngọc