Chuyển tới nội dung

Microsoft Edge và công cuộc giành lại vị trí ngôi vua làng trình duyệt!

Ngày 17/8 vừa rồi, Microsoft đã chính thức công bố họ sẽ không còn tiếp tục hỗ trợ Internet Explorer 11 kể từ ngày 30/11/2020.

Internet Explorer (IE) đã trải qua 25 năm hoạt động, từng giành vị trí quán quân áp đảo trong cuộc đua thị phần trong thời kì những năm 2002, 2003 với thành tích đạt 95% thị phần.

Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian dài hoạt động, IE ngày càng lỗi thời, lại gặp những đối thủ mạnh như Chrome, Safari, Firefox,… trong môi trường Internet ngày càng phức tạp hiện nay. Vì vậy, việc dừng cuộc chơi ở tuổi 25 là điều không quá bất ngờ.

Tạm gác lại một thời hoàng kim với IE, Microsoft đem chiến binh mới Microsoft Edge vào cuộc chơi với mong muốn tìm lại thời kì đỉnh cao như IE đã từng. Vậy Edge có gì khi nhập cuộc? Liệu rằng thế hệ sau của IE có thể đạt được thành tích như tiền bối của mình?

Microsoft Edge lần đầu ra mắt cùng Windows 10

Microsoft Edge là trình duyệt web được phát hành lần đầu vào 29/7/2015 bởi Microsoft cùng hệ điều hành Windows 10, đồng thời là trình duyệt mặc định của phiên bản Windows mới này. Trình duyệt IE 11 vẫn được chạy song song với Edge. Thời điểm đó, Chrome vẫn đang là trình duyệt web phổ biến nhất thế giới với 49,65% thị phần (theo thống kê của StatCounter).

Edge mang nhiều tính năng mới như tích hợp trợ lý ảo Cortana, cho phép ghi chú ngay trên website, tương thích với các tiện ích mở rộng của cả Chrome và Firefox. Trình duyệt dựa trên nền tảng EdgeHTML được thiết kế cho khả năng tương tác của các trang web hiện đại. Microsoft tuyên bố, Edge sẽ có khả năng hoạt động nhanh gấp 112% so với Chrome, một trong những trình duyệt được đánh giá là có tốc độ tốt nhất thời điểm đó.

Trái với kì vọng, Microsoft Edge nhanh chóng thất bại

Mặc dù được kỳ vọng là một nhân tố tiềm năng, dự báo sẽ đưa trình duyệt của Microsoft lên đỉnh vinh quang một lần nữa nhưng Microsoft Edge lại sớm khiến cho người dùng thất vọng. Theo dữ liệu của hãng thống kê NetMarketShare tính tới tháng 8/2018, trình duyệt Chrome hiện đang chiếm 62,52%, Firefox đứng thứ hai với 10,47%, IE đứng thứ 3 với 9,21% và Microsoft Edge thậm chí còn xếp sau cả IE (phiên bản trình duyệt tiền nhiệm) với chỉ 4,32%. Nói cách khác, Microsoft Edge thực sự là một thất bại cay đắng khác của Microsoft, chỉ sau hệ điều hành Windows Phone.

Ngay từ khi ra mắt, Microsoft Edge đã gắn liền với hệ điều hành Windows 10 và chỉ dành riêng cho người dùng Windows 10, điều đó đồng nghĩa với việc người dùng muốn trải nghiệm Microsoft Edge sẽ phải nâng cấp hệ điều hành lên Windows 10.

Tuy nhiên, trái ngược lại với những hi vọng của người dùng, Microsoft Edge mang đến những trải nghiệm khá tệ. Trình duyệt mới này khá tốn RAM, tốn pin và tài nguyên hệ thống. Trên nền tảng Feedback Hub của Microsoft, nhiều người dùng phàn nàn về trình duyệt Microsoft Edge thường xuyên bị treo, đóng băng, tốc độ duyệt web chậm và rất hay crash.

Tuy nhiên, người dùng phải chờ rất lâu mới có bản cập nhật mới bởi Microsoft chỉ cập nhật trình duyệt này qua mỗi bản cập nhật lớn. Microsoft Edge cũng ít khi cập nhật các tính năng mới trong khi các trình duyệt khác, người dùng luôn nhận được các bản cập nhật tính năng và bảo mật mới chỉ sau vài tháng.

Hơn nữa, số lượng extension (tiện ích mở rộng) cho Microsoft Edge vẫn còn quá ít so với các trình duyệt khác. Sự thiếu thốn này có một phần nguyên nhân bởi cơ chế kiểm duyệt extension hơi cứng nhắc và chính sách không được lòng nhà phát triển của Microsoft.

Microsoft Edge lột xác trong phiên bản mới

Nhận biết được những hạn chế trong trình duyệt của mình, tháng 1/2020, Microsoft đã cho ra mắt trình duyệt Microsoft Edge mới nhưng không còn sử dụng mã nguồn của chính Microsoft được gọi là EdgeHTML mà thay bằng Chromium giống Google, Opera, Brave… đang sử dụng, đồng thời hoạt động trên cùng phiên bản hỗ trợ với Chrome.

Theo Joe Belfiore – giám đốc điều hành Windows, sự thay đổi lần này mục tiêu mang lại khả năng tương thích tốt hơn cho mọi người, ít phân mảnh hơn cho các nhà phát triển web và hợp tác với cộng đồng Chromium để cải thiện công cụ Chromium. Vậy trình duyệt trên nền tảng mới này có gì nổi trội so với phiên bản cũ?

Với việc sử dụng mã nguồn mở Chromium giống với Chrome, phiên bản mới của  Microsoft Edge có tất cả các tính năng của Google Chrome. Ngoài ra, người dùng Microsoft Edge còn được sử dụng các tiện ích trong kho Extension của Google. Hơn nữa, thay vì chỉ khả dụng trên Windows 10, phiên bản mới của Microsoft Edge khả dụng trên nhiều nền tảng khác như Windows 10, Windows 8.1 và Windows 7, macOS và Linux.

Điều này cho phép nhiều người dùng được trải nghiệm Edge phiên bản mới mà không cần phải nâng cấp lên Windows 10, làm gia tăng đáng kể lượng người dùng trình duyệt. Từ những trải nghiệm thực tế đó, Edge đã ngầm lôi kéo người dùng cập nhật Windows 10 để gia tăng trải nghiệm cũng như là một phương pháp thay thế khi Microsoft ngừng hỗ trợ các phiên bản cũ hơn.

Hơn nữa, Microsoft Edge còn được cha đẻ Microsoft đỡ đầu trong việc ra mắt công chúng bởi trình duyệt được cài đặt mặc định lên trên hệ điều hành Windows – hệ điều hành PC/Laptop có thị phần lớn nhất hiện tại (Windows 10 ~ 40% thị phần).

Trong màn come back lần này, Edge phiên bản mới đã có nhiều cải tiến bởi trình duyệt này sử dụng ít tài nguyên hệ thống hơn, cũng như tiết kiệm pin  rõ rệt so với phiên bản Edge cũ. Người dùng thậm chí có thể phát trực tuyến các sự kiện của Apple và xem phim Netflix độ phân giải 4k trong khi các trình duyệt khác như Chrome, Firefox chỉ hỗ trợ tối đa Full HD.

Ngoài ra, Edge cũng không gặp phải tình trạng bị chậm trình duyệt khi sử dụng lâu như Chrome. Theo Computerworld, các thử nghiệm cho thấy Edge còn sử dụng ít RAM hơn Chrome, trung bình khoảng 14%.

Do cùng hoạt động dựa trên nhân kết xuất Chromium, Edge có khả năng đồng bộ hóa với Chrome, tương thích với các extension mở rộng trình duyệt của Chrome, và cách thức xử lý trang web cũng tương tự như Chrome. Dù “vay mượn” extension của Chrome nhưng Edge đã biết tối ưu hoá công cụ của mình bằng cách thêm kho extension của Microsoft, ví dụ như extension hỗ trợ tải video từ Youtube mà Chrome đã cấm extension này.

Hơn nữa, Edge đã có một bước tiến vững chắc trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Trong bối cảnh mạng Internet phức tạp như hiện nay, nhiều công ty như Google, Facebook… theo dõi các động thái của người dùng trong quá trình sử dụng để hoàn thiện bộ hồ sơ về các hoạt động, sở thích của họ gây nhiều mối lo về xâm phạm quyền riêng tư.

Thế nhưng, đi ngược lại với các công ty đó, Edge đã cung cấp tính năng ngăn chặn theo dõi từ các nhà cung cấp quảng cáo từ trang web này sang trang web khác. Tính năng này đã được cài đặt mặc định, nhưng người dùng hoàn toàn có thể tùy chỉnh cách hoạt động để phù hợp với nhu cầu muốn xem quảng cáo và nội dung về sở thích của họ. Edge cung cấp 3 lựa chọn cho người dùng: basic, balanced và strict.

Kết luận

Quả nhiên, với những nỗ lực xây dựng một trình duyệt thân thiện với người dùng, Microsoft đã và đang nhận được dấu hiệu tích cực trong công cuộc giành lại thị phần làng trình duyệt. Theo báo cáo tháng 3/2020 của Netmarketshare, Microsoft Edge đã trở thành trình duyệt lớn thứ hai trên thế giới với thị phần 7,59%, dẫn đầu vẫn là Google Chrome áp đảo với 68,50% thị phần.

Trình duyệt của Microsoft đã vượt mặt Mozilla Firefox khiến Firefox và Internet Explorer xếp thứ ba và thứ tư với thị phần lần lượt là 7,19% và 5,87%. Điểm mấu chốt để Edge đạt được kết quả ngày hôm nay phần lớn là do quyết định hoạt động dựa trên Chromium.

Mặc dù Edge bước đầu đạt được kết quả tốt, nhưng để đạt được tham vọng sánh vai với Chrome quả là một chặng đường dài. Liệu đứa con này của Microsoft có thể làm nên huyền thoại như trình duyệt Internet Explorer đã từng?

Theo Vietnam Business Insider

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved