Gần Tết mây giăng màu bàng bạc, gió lành lạnh khô khan thổi lan khắp nẻo, màu không khí ấy làm người ta như được đánh thức các giác quan và tâm thức.
À, sắp Tết rồi đấy! Sắp tới ngày về quê tảo mộ, cúng ông công ông táo, cúng đêm giao thừa, cúng ngày mùng một, lại được quây quần bên người thân, bên mâm cỗ Tết rồi đấy.
Mấy năm liền ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, sự ám ảnh của nó còn chưa phai mờ trong tâm trí nhiều người, thì sự suy thoái kinh tế làm cho Tết thành mối lo và gánh nặng cho nhiều gia đình, khi giáp Tết trăm thứ phải lo mà chưa biết lần kiếm đâu ra.
Khó khăn là thế, nhưng Tết vẫn không nhạt vị, phai màu. Sự khởi đầu của một chu kỳ mới, vòng tuần hoàn mới của thời gian luôn đi cùng với ước mong tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc. Còn khó khăn trở ngại vốn là tất yếu trên đường đời, đối mặt đi qua hơn là dừng lại rồi tìm cách tránh né.
Sắp Tết, mùi khói nhang trầm như thơm đậm lâu tan hơn, dòng khói mỏng manh uốn lượn bay lên trong gian phòng thờ làm mờ mờ những bức ảnh của người thân xưa cũ, như nối hiện tại và quá khứ thông linh tới linh hồn người thân đã khuất. Kí ức kỉ niệm xưa cứ vòng quay lại trong trí nhớ theo vòng cuộn của khói nhang trầm. Nhớ Tết xưa thời còn thiếu thốn vật chất mà đủ vị háo hức tinh thần. Không chỉ có thanh âm, mùi vị, mà Tết còn có màu sắc với mảng màu đặc trưng của Tết, chỉ Tết mới có để người ta cứ đau đáu nhớ về hoài niệm ngày xưa cũ.
Tết có màu vàng óng ả từ bộ tam sự bằng đồng gồm đỉnh đồng ba chân đựng nhang trầm và hai con hạc bằng đồng trên ban thờ được hạ xuống, bố cẩn thận dùng rơm lúa nếp vàng thơm vò rối, cùng vỏ trấu cũng thơm thơm của giống nếp hương để đánh lên cho sáng bóng, in cả hình người vào được như tấm gương soi. In cả bóng mâm ngũ quả có chuối xanh như bàn tay ôm trái bưởi vàng có quả hồng đỏ, trái quýt tươi vào cái chiều cong cong của chiếc đỉnh đồng để đốt trầm. Hai con hạc cũng vàng choé lên, rõ hình đầu con rùa dưới chân con hạc.
Tết có túng thiếu đến mấy thì mâm ngũ quả nhà tôi cũng phải bày cho thật đẹp, hương trầm phải thật thơm. Nhà bố tôi là nhà trưởng, là nơi sáng mồng một các chú bác sẽ dẫn con cháu vào yết tổ đường. Dù chỉ là trưởng một chi họ thôi chứ không phải trưởng họ, mà thật ra cũng chỉ là trưởng thứ, bác cả tôi là liệt sĩ chống Pháp khi chưa có con cái gì nên bố tôi thành trưởng. Bố tôi yêu chữ nghĩa, ban thờ vẫn có đôi câu đối viết trên giấy điều với nét chữ đẹp như vẽ của ông cụ Lãm hay chữ nhất làng, cũng vẫn là “Cung chúc tân xuân” hay “Ẩm thuỷ tư nguyên” thôi nhưng mỗi năm lại một khác về kích cỡ và hình dáng. Vài cái tranh Đông Hồ với cảnh đám cưới chuột hay cậu bé ôm gà trống với màu sắc tươi vui cũng làm ấm lên những cây cột nhà gỗ đen bóng cả năm im lìm.
Chỉ vài điểm nhấn nhá trong nhà thế thôi là có màu của Tết. Ngoài sân thì lá dong rửa sạch hong khô sáng xanh lên bên hiên nhà đợi thịt lợn, đỗ xanh, gạo nếp về. Đỗ xanh màu vàng tươi, gạo nếp trắng ngà, thịt lợn ba chỉ ướp hạt tiêu thơm lựng, cuộn vào khuôn để thành nồi bánh chưng đêm ba mươi ấm cúng.
Trong nhà, ngoài ngõ được quét dọn, sắp xếp gọn gàng để đón chào năm mới, chờ khoảng khắc giao thừa, cái điểm chuyển giao của vạn vật khi chuyển mình đón xuân sang.
Tết có màu từ màu áo hồng điều của cụ ngoại trong ngày thượng thọ, chỉnh trang ngồi trên ghế bành nhận quà và lời chúc từ con cháu, trong súng sính váy áo trẻ con tung tăng vô tư nô đùa với giầy trắng áo xanh, quần đỏ. Tết có màu từ phong bao lì xì, có đồng tiền mới cùng lời chúc ấm lòng, cảm động.
Tết có màu của người ở xa về được quê nhà đúng dịp, tung tẩy đi trên đường làng để chào hỏi nhau. Áo vét đen bóng, áo dài đủ màu, nước hoa thơm lừng cả đường quê.
Tết có màu của bận rộn bao nhiêu công việc trong năm được dồn lại giải quyết nhanh chóng để được về ăn Tết trong thảnh thơi, trong sự thoải mái không mắc mớ công việc lo toan. Để có chiều ba mươi lững thững đi ra phía cổng làng nhìn ra đê sông thoáng mỏng manh khói bếp nhà ai lờ lững bóng lam chiều.
Thời gian trôi đi vị Tết có thể phôi pha, ký ức có thể nhạt nhoà thì màu Tết lại vẫn cứ đậm đà tươi mới. Màu của bánh pháo ngày xưa với vỏ hồng, ngòi xám, màu của màn pháo hoa rực rỡ đất trời bừng sáng lên trong đêm ba mươi.
Tết có màu trong mâm cỗ Tết với giò, chả, nem, gà, thịt đông, dưa chua, miến nấu măng, màu Tết trong ly rượu thơm nồng đi theo lời chúc đầy ước vọng.
Tết có màu trăng trắng như ly rượu quê ăm ắp nghĩa tình uống cùng bạn cũ với mồi nhắm là ký ức tuổi thơ với màn mưa bụi giăng phủ bụi mờ trước hiên nhà.
Phạm Tuấn