Rất nhiều doanh nghiệp bỏ mặt bằng, dời “lên mạng” để vượt đại dịch. Thế nhưng thực tế lại cho thấy mặt bằng vẫn rất “có giá”.
Mới đây, theo một bài đăng trên trang điện tử VTV, chị Hoa – một chủ spa tại khu vực Mỗ Lao, Hà Nội – đã không khỏi bất ngờ khi chủ mặt bằng đòi tăng giá dù đang là mùa dịch.
Trước nay, giá thuê mặt bằng chị đang sử dụng là 35 triệu đồng/tháng với vị trí ưu thế hai mặt tiền. Mùa dịch dù kinh doanh không suôn sẻ thế nhưng chị vẫn đóng tiền đều để duy trì mặt bằng. Đến đầu tháng 12 là hết hạn hợp đồng, chị Hoa dự tính sẽ thương lượng lại mức giá mới.
Tuy nhiên trước sự ngỡ ngàng của chị, dù chưa đàm phán gì, chủ mặt bằng đã thông báo sẽ tăng thêm 5 triệu/tháng, tức là 40 triệu/tháng. Nếu không đồng ý, họ sẽ thu lại mặt bằng. Chị Hoa cho biết nếu chuyển đi sẽ rất vất vả, chưa kể đến việc xây dựng lại các mối làm ăn.
Những tưởng câu chuyện của chị Hoa là “hàng hiếm” trong đợt dịch vừa rồi. Vì vốn dĩ ai cũng nghĩ các mặt bằng đang bị “ế” tràn lan, phải giảm giá hàng loạt. Thế nhưng vẫn có những ví dụ khác cho thấy mặt bằng vẫn luôn đắt giá.
Chẳng hạn câu chuyện về mặt bằng của ông T.K.M tại Bình Định. Câu chuyện của ông đã gây xôn xao cộng đồng trong thời gian gần đây khi bên thuê Thegioididong (TGDD) đã tự ý gửi thông báo yêu cầu giảm giá thuê. Vì bức xúc nên dù không nhận đủ tiền thuê nhà, ông T.K.M vẫn chấp nhận thanh lý hợp đồng với TGDĐ.
Ngay khi vừa thanh lý xong, mặt bằng của ông M. lập tức “sốt” lên. Ông chia sẻ có nhiều bên muốn thuê lại mặt bằng này. Rất nhanh chóng, ông đã đồng ý chốt hợp đồng với Nhà thuốc Long Châu FPT. Giá thuê cho bên này cũng cao hơn 20% so với TGDĐ.
Theo những người trong nghề, mặt bằng đắt giá hiện nay vì có hiện tượng các ông lớn đang tranh thủ gom mặt bằng.
Chẳng hạn, trong câu chuyện của chị Hoa, chị cho biết chủ nhà đòi tăng giá vì có một chuỗi siêu thị đang “nhăm nhe” vị trí đắc địa này. Họ chấp nhận trả giá cao hơn giá của chị đang thuê để có được mặt bằng tốt, phù hợp chiến lược kinh doanh.
Theo các chuyên gia của Savills – một đơn vị kinh doanh bất động sản – trong bối cảnh đại dịch, có nhiều nhãn hàng mới tận dụng thời điểm này để tìm kiếm các mặt bằng đắc địa để chuẩn bị cho sự ra mắt của cửa hàng đầu tiên của mình.
Không chỉ vì yếu tố từ các ông lớn khác, mà mặt bằng vẫn luôn giữ sức hút của mình do chiến lược omnichannel (liên kênh) đang trở thành xu thế. Đây là mô hình kinh doanh hỗn hợp đa kênh, kết hợp giữa cửa hàng thực địa và những cửa hàng trực tuyến cùng nhiều dịch vụ hậu cần khác.
Theo báo cáo mới nhất của Vietnam Report, xu hướng omnichannel vẫn sẽ duy trì và phát triển trong thời gian tới. Các ông lớn trong ngành bán lẻ ở Việt Nam như TGDĐ hay WinMart cũng đã nhanh chóng áp dụng mô hình này.
Với omnichannel, doanh nghiệp có thể tương tác và cung cấp trải nghiệm mua sắm với khách hàng ở mọi lúc mọi nơi. Do đó việc kinh doanh sẽ không bị gián đoạn. Mà đối với kênh cửa hàng thực địa trong omnichannel, thì các yếu tố liên quan đến mặt bằng luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Vậy nên nhiều bên sẽ không tiếc tiền để đoạt được mặt bằng đắc địa.
Thực tế trên thế giới nhiều ông lớn mảng trực tuyến cũng đã và đang bắt đầu ra ngoài đời thực. Chẳng hạn, một ứng dụng hẹn hò trực tuyến Bumble cũng đã mở những nhà hàng đầu tiên của mình chỉ bốn tháng sau khi IPO.
Không chỉ riêng Bumble mà các công ty như Warby Parker hay AllBirds liên tục mở các cửa hàng mới mặc dù sỡ hữu nền tảng kinh doanh điện tử thành công. Rồi Amazon mở các cửa hàng Amazon Go. Google cũng mở cửa hàng trải nghiệm sản phẩm.
Như vậy là, dù COVID-19 đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp “lên online”, nhưng thực tế mặt bằng vẫn rất “có giá”.
Quân Bảo