Techcombank-2020-16

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), với mức lãi suất huy động 7,1%/năm, là những cái tên xuất hiện trong bảng so sánh lãi suất cao nhất tại các ngân hàng tháng 12/2021. Điều kiện để áp dụng mức này tại ACB là khách hàng phải gửi từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng; còn tại Techcombank là từ 999 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng.

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng đang huy động với lãi suất cao nhất là 7,0%/năm với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 và 13 tháng.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng đang áp dụng mức lãi suất cao lần lượt là 6,99 và 6,85%/năm. Điều kiện là khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 300 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Còn tại Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank), lãi suất cao nhất đang niêm yết là 6,8%/năm dành cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng khác đang huy động lãi suất cao nhất trên 6%/năm như Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) là 6,7%/năm, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) 6,7%/năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 6,6%/năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) 6,4%/năm, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) 6,3%/năm…

Tại ngân hàng SCB hiện đang tiếp tục duy trì mức lãi suất so với tháng trước đó, cụ thể: Kỳ hạn 3 tháng là 3,85%/năm; 6 tháng là 5,7%/năm; 12 tháng là 6,8%/năm; 24 tháng là 6,8%/năm. So sánh với mặt bằng chung của thị trường, SCB cũng là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao.

Tại NamABank, lãi suất các kỳ hạn 3, 6, 12 và 24 tháng lần lượt ở mức 3,95%, 5,6%, 6,1% và 6,7%. Tại SHB có điều chỉnh nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng, từ mức 5,6%/năm trong tháng 11/2021 xuống còn 5,3%/năm vào đầu tháng 12/2021.

Ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Vietcombank và BIDV giữ nguyên mức lãi suất huy động so với đầu tháng 11/2021.

Trong báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, việc NHNN vừa chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng trong năm 2021 cho một số ngân hàng, sẽ giúp các nhà băng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trong điều kiện nhiều ngân hàng thương mại đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.

BVSC nhận định, với room tín dụng mới được cấp thêm cho một số ngân hàng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong năm 2021 có thể đạt khoảng 13%.

Bên cạnh đó, NHNN cũng cân nhắc lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như đã đề cập trong Thông tư 08/2020- NHNN. BVSC cho rằng, nếu quyết định này được thực thi, phần nào sẽ giúp các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, đặc biệt các dự án vay vốn trung-dài hạn xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án cao tốc Bắc-Nam.

Theo đó, BVSC dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhìn chung sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trong thời gian tới. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 – 4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 – 5%/năm đối với kỳ hạn 6 – 12 tháng và 4,2 – 6,5%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng.

Liên quan đến dự báo về lãi suất  trong những tháng cuối năm, nhóm nghiên cứu SSI, cho rằng: “Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 – 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 – 5% đối với kỳ hạn 6 – 12 tháng và 4,2 – 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 – 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng”.

Còn nhóm chuyên gia của KBSV đã nâng dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 từ 10% (trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô quý 4/2021) lên 12%.

Với tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine tại các thành phố lớn diễn ra nhanh hơn dự kiến, dịch bệnh dần được kiểm soát, các quy định giãn cách xã hội dần được dỡ bỏ và ít có khả năng thắt chặt trở lại, nhu cầu vốn trong nền kinh tế sẽ sớm hồi phục tương ứng với sự phục hồi ở lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng.

Báo cáo tài chính quý 3 công bố cho thấy chất lượng tài sản của các NHTM dù cần thêm một vài quý để đánh giá chính xác, không chịu ảnh hưởng quá mạnh bởi đợt giãn cách xã hội quý 3. Đây là cơ sở để NHNN sớm cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng có chất lượng tài sản và chỉ số an toàn tốt. KBSV cho rằng mặt bằng lãi suất thấp sẽ duy trì trong 2 tháng cuối năm.

Dù chính sách tiền tệ hỗ trợ của NHNN sẽ tiếp tục được duy trì với lãi suất điều hành ở mức thấp, room tín dụng dự kiến sớm được nới trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng còn rất ít dư địa để mặt bằng lãi suất giảm thêm trong bối cảnh áp lực lạm phát là hiện hữu”, chuyên gia KBSV cho biết.

Thêm vào đó, rủi ro nợ xấu gia tăng trong 1 vài quý tới khi các khoản vay dần đáo hạn là yếu tố khiến các ngân hàng thương mại cần duy trì 1 mức biên lãi ròng cao để có dư địa trích lập dự phòng, kéo theo đó lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm.

Dương Thùy