Toàn cảnh  khóa đào tạo nâng cao năng lực trong nghiên cứu và ứng dụng Martech

Martech ra đời đánh dấu sự chuyển mình từ marketing truyền thống sang marketing công nghệ số, từ đó đặt ra cho doanh nghiệp nhiều cơ hội lẫn thách thức trong việc bắt kịp xu hướng và nâng cao tính hiệu quả của hoạt động marketing.

Chương trình thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) và nằm trong chuỗi sự kiện trọng điểm: Đào tạo năng lực trong nghiên cứu, ứng dụng Martech; hội nghị, hội thảo chuyên đề dành cho lãnh đạo của các công ty khởi nghiệp và công ty Martech; các chương trình gọi vốn thử nghiệm dành cho các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Martech; Techfest Việt Nam 2023 và triển lãm online trên nền tảng Techfest 24/7.

Theo các chuyên gia, Martech hay còn được gọi là công nghệ tiếp thị (Marketing Technology), là một thuật ngữ marketing dùng để chỉ sự hợp nhất giữa hoạt động marketing và hoạt động công nghệ. Cụ thể hơn, Martech là tập hợp các giải pháp cùng các nền tảng công nghệ phục vụ cho doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chiến lược marketing, chiến dịch truyền thông và quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến với khách hàng mục tiêu trên nhiều kênh thông tin khác nhau.

Ông Nguyễn Đắc Tình, Chủ tịch Mạng lưới Martech Việt Nam dẫn số liệu khảo sát của Facebook và Công ty Bain & Company khẳng định, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị dự đoán vào năm 2021.

Lễ ký kết giữa Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ và các đối tác nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực tư nhân trong đào tạo, ươm tạo, kết nối, gọi vốn, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam với quốc tế.

Các công nghệ mới trong Martech như trí tuệ nhân tạo và học máy đang giúp doanh nghiệp phát triển các ứng dụng và giải pháp đột phá để giải quyết các vấn đề khó khăn trong lĩnh vực marketing. Ví dụ, trí tuệ nhân tạo có thể giúp các doanh nghiệp tạo ra các chiến lược marketing tự động và tùy chỉnh, đồng thời cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Năm 2023, thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ bứt phá với dự báo đạt quy mô thị trường 20 tỷ USD. Thương mại điện tử sẽ len lỏi vào khắp các ngành, các lĩnh vực. Và công nghệ là một yếu tố quan trọng định hình thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Trải nghiệm mua sắm trực tuyến sẽ được các thương hiệu đầu tư nhiều hơn với sự hỗ trợ của các công nghệ tiếp thị, công nghệ dữ liệu, công nghệ thanh toán…

Tại hầu hết các công ty, công nghệ đang phát triển từ một công cụ chức năng trở thành nền tảng cho sự tăng trưởng đột phá trong mọi hoạt động kinh doanh: Sản xuất, phân phối, tiếp thị, bán hàng…

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp quy mô nhỏ thì có thể bắt đầu tiếp thị trên mạng xã hội (social marketing), tận dụng các nền tảng truyền thông xã hội như: Facebook, TikTok, Zalo, Instagram, Youtube… Đây là một phương pháp quan trọng trong tiếp thị kỹ thuật số, giúp doanh nghiệp tương tác và tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả.

Tại khóa đào tạo, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ và các đối tác đã ký kết hợp tác nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực tư nhân trong đào tạo, ươm tạo, kết nối, gọi vốn, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam với quốc tế.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ từng tổ chức 2 khóa đào tạo, trong đó, các chuyên gia đã giới thiệu một số công cụ của Martech như: Email Marketing, Social Media Marketing, Automation Marketing, Content Marketing…

Tính đến nay, trên thế giới đã có hơn 11.000 ứng dụng Martech và dự báo đến năm 2030, thị trường Martech sẽ đạt 6.600 tỷ USD.

Nguyễn Nguyên