Chuyển tới nội dung

Ma có thật hay không?

Cho đến nay, rất nhiều người trên thế giới tin rằng ma có thật. Một khảo sát kéo dài 2 năm với 600.000 người ở những quốc gia kém phát triển và những nước có nền khoa học tiên tiến do tạp chí khoa học Livescience thực hiện thì có đến 63% tin là có ma, 17% không tin, số còn lại nửa tin nửa ngờ.

Một trong những bức ảnh nổi tiếng về ma do thuyền trưởng Hubert C. Provant chụp năm 1936.

Những câu chuyện ly kỳ

Đêm 21/12/2021, Kim Dixon (sinh viên Khoa Động vật học, Đại học UCLA, bang California, Mỹ) được phân công trực đêm tại Công viên động vật quốc gia để theo dõi con voi Kandula khi nó chuẩn bị sinh nở, trên ghế xếp, Kim ngồi cạnh chuồng voi rồi ghi chép từng diễn biến của con vật.

Cô kể: “Khoảng 1 giờ sáng, tôi thấy có một người đàn ông đến cạnh song sắt chuồng voi. Ông ta mặc cái áo choàng màu xám, loại áo mà tôi chưa thấy bao giờ, đầu đội mũ len cũng màu xám. Sau một lúc quan sát con voi, ông ta quay lại nhìn tôi rồi… biến mất!”.

Quá sợ hãi, Kim Dixon chạy vào phòng bảo vệ, kể cho nhân viên trực đêm Pelody những gì cô vừa thấy. Pelody cũng rất ngạc nhiên vì trong số 20 bảo vệ, chẳng ai có hình dạng như lời kể của Kim. Đến sáng, khi ông Ferguson, giám đốc công viên nghe được chuyện này thì ông mời Kim vào phòng. Lấy cuốn kỷ yếu của công viên mà hơn 50 năm nay vẫn nằm yên trên giá sách, ông bảo Kim mở ra xem, mở đến trang 15, Kim chỉ ngay vào ảnh của một người với chú thích là: “William “Blackie” Blackburne, nhân viên đầu tiên trong công viên có trách nhiệm chăm sóc đàn voi, làm việc từ năm 1930, mất năm 1950”.

Kim nói: “Chính là ông ấy, tôi không thể nhầm lẫn cái áo choàng, cái mũ len và khuôn mặt của ông”.  Ông Ferguson cho biết đây là hiện tượng rất kỳ lạ vì rất ít nhân viên ở đây biết về William “Blackie” Blackburne cũng như chưa bao giờ đọc cuốn kỷ yếu. Cuối cùng ông kết luận đó có thể là “hồn ma” của William, do vương vấn với nghề nghiệp của mình nên đã “trở lại”.

Kim Dixon chỉ là một trong hàng trăm ngàn trường hợp được cho là đã nhìn thấy “ma”. Tiến sĩ Dick Bevesty, chuyên về khoa học thần kinh (Đại học Y khoa John Hopkins) nói: “Nhà bác học thiên tài Albert Einstein đã đưa ra một cơ sở để giải thích cho sự tồn tại của ma dựa trên Định luật nhiệt động lực: “Năng lượng không thể bị phá hủy mà chỉ thay đổi từ dạng này sang dạng khác”. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra với năng lượng của cơ thể con người khi họ chết? Phải chăng năng lượng ấy sẽ hiển thị dưới một hình thức nào đó như “ma” chẳng hạn…”.

Vẫn theo Dick Bevesty, bức ảnh do thuyền trưởng Hubert C.Provant chụp năm 1936 tại cầu thang nhà ông cho thấy một bóng trắng lờ mờ, ăn mặc như phụ nữ đã gây xôn xao dư luận suốt hơn 80 năm và chỉ mới gần đây, qua phân tích bằng trí tuệ nhân tạo, các nhà khoa học khẳng định ảnh không bị chỉnh sửa, không gặp phải hiện tượng hiệu ứng ánh sáng hoặc lỗi của phim hay sai sót ống kính.

Thuyền trưởng Hubert C.Provant kể rằng: “Khi làm cầu thang này, một phụ nữ trong nhóm thợ chịu trách nhiệm đánh xi các bậc thang và tay nắm, nhưng do bất cẩn cô ấy trượt chân ngã xuống rồi qua đời vào ngày hôm sau vì vỡ sàn sọ. Đó có phải là linh hồn của cô ấy không?”

Để chứng minh Định luật nhiệt động lực của Einstein, nhà hóa học người Đức Karl Wilhelm đã làm một thực nghiệm bằng cách: đặt một người hấp hối vào một cái chuông bằng thủy tinh trong suốt có gắn các thiết bị theo dõi nhịp tim, hơi thở, điện não, phản xạ cơ bắp…, rồi đặt xung quanh chuông 8 đèn cực tím. Khi người ấy vừa trút hơi thở cuối cùng, Wilhelm cùng các cộng sự nhìn thấy một đám hơi màu trắng lớn khoảng 2 bàn tay, từ đầu tử thi thoát ra, bay lên, xuyên qua lớp thủy tinh rồi tiếp tục lên cao còn trên màn hình của cân điện tử, trọng lượng người chết giảm mất 0,06g.

Wilhelm nói: “Khi nó qua khỏi tầm chiếu của tia cực tím thì chúng tôi không nhìn thấy nó nữa”. Thử nghiệm của ông đã gây xôn xao trong giới khoa học đến mức người ta đặt cho Wilhelm cái tên là “người cân linh hồn”.

Câu chuyện chưa có hồi kết

Một trường hợp khác: Deborah Hull-Walski, người quản lý bộ sưu tập tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia (Mỹ) cho biết, tại tầng 3 của bảo tàng có trưng bày các vòi nước bằng đồng hoặc bằng bạc, xuất hiện từ thế kỷ 15-19 với nhiều hình dạng khác nhau. Nó được vặn bằng tay và dĩ nhiên là không hề có một ống dẫn nước nào nối với những chiếc vòi này.

Thế nhưng một buổi sáng, lúc Deborah đi quanh các khu trưng bày rồi lúc đến chỗ những chiếc vòi, ông thấy sàn nhà ướt đẫm nước. Các dấu vết cho thấy nó chảy ra từ chiếc vòi bằng bạc sản xuất năm 1865. Khi báo cáo việc này với ban giám đốc, các chuyên gia giải thích có thể hơi ẩm tích tụ trên trần nhà đọng thành nước rồi nhỏ xuống nhưng khi Deborah giăng một tấm nylon ở ngay vị trí được cho là “hơi ẩm tích tụ” thì vài ngày sau, ông lại thấy sàn nhà có nước còn trên tấm nylon chẳng hề có một giọt nào.

Sự việc ly kỳ đến nỗi, một nhóm người Mỹ đã thành lập “thợ săn ma” và ngoài Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia, họ còn tìm đến những địa điểm nổi tiếng là “có ma” với những thiết bị rất tối tân như: máy đếm Geiger, máy dò Trường điện từ (EMF), máy dò Ion, camera hồng ngoại và micrô cực nhạy. Tuy nhiên, chưa có thiết bị nào trong số này phát hiện được ma mặc dù họ đã thay nhau canh ngày canh đêm cốt chỉ để chứng minh “ma” có thật.

Với những người không tin có ma, họ phản bác rằng, cái đám hơi màu trắng trong thực nghiệm của Wilhelm là hơi nước, thoát ra từ những lỗ chân lông trên tử thi nhưng khi Wilhelm chứng minh khác với tia laser, hơi nước không phản ứng với tia cực tím thì họ cho rằng thực nghiệm của Wilhelm là “không đáng tin cậy”, còn với Deborah, họ nghi ngờ ông này tự đổ nước xuống sàn nhà để… nổi tiếng!

Ông Dick Perry, giám đốc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia nói: “Tôi không nghĩ là Deborah đổ nước vì trong bảo tàng có camera, kể cả camera hồng ngoại. Lần thứ 2, rồi thứ 3 khi sàn nhà ướt nước, camera không ghi nhận sự xuất hiện của bất cứ một sinh vật hay một chuyển động nào”.

Theo Giáo sư Pamela Anderson (chuyên ngành tâm lý học, Đại học York, Anh Quốc): “Các nền văn hóa trên thế giới đều tin rằng sau khi chết, linh hồn vẫn sống nhưng ở một thế giới khác. Vấn đề là chưa ai chứng minh được cái thế giới ấy có thật hay không mặc dù nhân loại đã có những bước tiến vĩ đại về khoa học kỹ thuật.

Tôi không tin có ma nhưng tôi không phản bác niềm tin của người khác vì xét cho cùng, hàng tỉ người tin vào những việc mắt thấy tai nghe thì cũng có hàng tỉ người khác tin vào sự thần bí. Niềm tin vào ma là một phần trải nghiệm về cuộc sống, cái chết và giao tiếp tâm linh. Nó mang lại sự an ủi cho nhiều người vì ai cũng muốn những người thân yêu đã qua đời vẫn ở bên họ mãi mãi…”.

Và như vậy, có “ma” hay không là câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp. Nó “có” hay “không” tùy thuộc vào suy nghĩ của từng người…

Vũ Cao

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ quảng cáo:
Hotline: (028)62706698 – 0903851305 – 0971482407 (Mr.Trung Hiếu)
Email: thuonghieu.nn@gmail.com

© Thương Hiệu Ngày Nay. All right Reserved