111-enternews-1650705800

“Phượng hoàng lửa” chỉ mang tính “câu view”

Vài ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao trước hình ảnh một hóa đơn ở một quán cà phê tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Trong đó có món “cafe Phượng Hoàng Lửa” trị giá 7.200.000 đồng/ly, hóa đơn 4 ly mất hết 28.800.000 đồng. Đây là một con số rất cao, khiến nhiều người ngạc nhiên và thu hút sự chú ý.

Tuy nhiên sau khi xác minh, công an TP Bảo Lộc cho biết đây chỉ là chuyện tự biên tự diễn của ông chủ quán cafe. Theo bản tường trình, ông chủ khai mình đã tự in hóa đơn với mức giá trên trời này để đăng lên Facebook nhằm câu view, câu like.

Với sự việc này, ông bị công an yêu cầu gỡ bỏ những thông tin này. Đồng thời qua kiểm tra, quán của ông cũng vi phạm một số lỗi, trong đó có việc “niêm yết giá không rõ ràng gây hiểu lầm cho khách hàng”. Tổng số tiền bị phạt cho các lỗi là 18,7 triệu đồng.

Rõ ràng trong sự việc này, ông chủ quán cafe đã có một bước đi sai lầm, không chỉ bị mọi người chê cười, mà còn bị phạt tiền. Dẫu biết rằng khi quảng cáo, cường điệu, nói phét là chuyện không thể tránh khỏi. Tuy nhiên nói như thế nào để vừa nổi lên sự ưu việt của sản phẩm, vừa không để khách hàng hiểu lầm là cả một nghệ thuật.

pr6_1465355849-enternews-1650706041

Đã nói quá là phải “1 tấc lên giời”.

Nguyên tắc trong quảng cáo ở đây là: nói quá gấp trăm lần thì là thậm xưng, nhưng nói quá một chút thì là lừa đảo. Tức là nếu đã muốn dùng yếu tố cường điệu trong quảng cáo, thì hãy cường điệu, nói quá thật nhiều, để khách hàng nhìn vào là biết mình cường điệu, nhưng đồng thời vẫn gây ấn tượng về tính năng/công dụng của sản phẩm. Còn nếu chỉ nói quá một chút, khách hàng rất dễ nhầm lẫn đấy là điều là sản phẩm/dịch vụ có thể làm được. Một khi khách hàng không có trải nghiệm đúng như mong đợi, rất nhiều việc rắc rối sẽ xảy ra.

Câu chuyện điển hình là Burger King. Burger King từng bị khách hàng đâm đơn kiện là thể hiện kích thước hamburger kẹp thịt Whopper trong quảng cáo lớn hơn 35% so với thực tế. Ngoài ra công thức hoặc số lượng thịt bò hay các thành phần khác trong món Whopper cũng không bằng hình quảng cáo. Các nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và yêu cầu Burger King ngừng quảng cáo gây hiểu lầm này. Theo ý họ, quảng cáo như vậy sẽ khiến khách hàng tưởng rằng mình nhận được lượng thịt nhiều hơn.

Subway cũng gặp rắc rối vào năm 2017 khi bị cáo buộc bán sai kích thước của bánh mì.

Trái ngược với rắc rối mà Burger King hoặc Subway gặp phải, ba ví dụ quảng cáo phóng đại dưới đây lại thuộc trường hợp nói quá gấp trăm lần, không gây bất kỳ hiểu lầm nào.

Quảng cáo nước tăng lực Number One

Nước tăng lực có lẽ loại mặt hàng thường phóng đại khi quảng cáo nhất. Trong đoạn quảng cáo, chỉ nhờ một chai Number One mà người nam giới có thể thực hiện các hành động nguy hiểm một cách nhẹ nhàng. Dĩ nhiên sẽ không ai cho rằng một chai nước tăng lực có thể giúp con người làm điều không tưởng ấy. Nhưng họ sẽ hiểu rằng đây là loại nước giúp tăng cường sinh lực

Quảng cáo kẹo cao su Cool Air

Quảng cáo kẹo cao su Cool Air.

Vẫn tiếp tục là một quảng cáo phóng đại khi thể hiện một người đàn ông nhờ nhai kẹo Cool Air mà có thể đi xe máy trên dây. Tuy nhiên công dụng “sảng khoái tinh thần, tỉnh táo lái xe” đã được khắc họa rõ.

Quảng cáo kem đánh răng Formula

Quảng cáo này thể hiện kem đánh răng Formula giúp răng chắc khỏe đến nỗi cắn được cả tấm billboard cực dày này. Dĩ nhiên trên thực tế dù răng khỏe đến đâu thì cũng không thể cắn và xé toạc những thứ dày như vậy. Vậy nên ai cũng hiểu đây chỉ là một sự phóng đại. Và thông điệp “giúp răng chắc khỏe” được thể hiện rõ.

Với những ví dụ trên, có thể thấy vụ cafe Phượng Hoàng Lửa cũng thuộc dạng nói quá một chút nên bị quy vào “lừa đảo”. Có lẽ nếu chủ quán để giá hẳn 700 triệu, thì chắc chẳng ai thắc mắc làm gì.

Quân Bảo