Đến cuối cùng “bầu vú ngân sách” tím lịm vì khô cạn do thất thoát, lãng phí không nhỏ trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình kém chất lượng.
Không có gì đau đớn hơn khi chứng kiến người thân của mình bị tổn thất tính mạng, sức khỏe vì tai nạn giao thông, có hằng hà sa số nguyên nhân gây tai họa mà tôi không ít lần tận thấy những vụ việc đẫm nước mắt do chất lượng mặt đường xuống cấp.
Cái “ổ gà”, “ổ vịt” bé xíu tưởng chừng vô hại nhưng đủ cướp đi tính mạng, có khi làm tán gia bại sản một gia đình, nó “trơ gan” cùng “tuế nguyệt” như một điều nghiễm nhiên – mà hầu hết chúng ta như đã dần chai sạn nên không còn coi đó là trách nhiệm của cơ quan chủ đầu tư, giám sát, thi công, kiểm định, nghiệm thu, bảo trì, bảo dưỡng!
Rất nhiều câu hỏi muộn màng đã cố gắng thốt ra nhưng rồi rơi vào hư không! Ví dụ: Liệu người bị nạn do chất lượng công trình xuống cấp có thể đòi hỏi trách nhiệm từ một ai đó? Cơ quan, tổ chức nào sẽ bảo đảm quyền lợi chính đáng của người yếu thế?
Có người sẽ nói là hoang tưởng nếu đặt những câu hỏi như vậy! Nhưng không nhẽ, một khoảng trống mênh mông về pháp lý liên quan sinh mạng con người lại do “trời mưa to”, “xe tải trọng lớn”, “thời tiết xấu”…? Thậm chí có khi người ta vịn vào “ông trời” để chối tội!
Ấy cũng chỉ là nói chuyện đã rồi, thế còn rất nhiều vấn nạn đương thời liên quan đến chất lượng công trình, dự án đầu tư công kém hiệu quả, bất chấp quy định, luật lệ, đạo đức để kiếm tiền – liệu cơ quan chức năng có thể ngăn chặn?
Đơn cử một câu chuyện ở miền sơn cước mà chúng tôi tận mắt chứng kiến mấy ngày trước: Thảm nhựa một đoạn đường thuộc tuyến Quốc lộ15D vào cửa khẩu Quốc tế La Lay – huyện Dakrong – Quảng Trị, không hiểu sao đơn vị thi công cả gan phớt lờ chỉ đạo của Cục đường bộ Việt Nam “không được thảm nhựa khi trời có mưa”.
Mùa này, người Quảng Trị ai cũng biết cái mưa rừng đến thối đất của miền ngược, mưa dầm mưa dề, hơi ẩm tích tụ lâu ngày dưới tán rừng rỉ xuống thành giọt, chảy thành khe, thành suối, tích thành sông, cuộn thành lũ chứ chẳng chơi!
Chỉ cũng để nói rằng, điều kiện thời tiết mưa, ẩm là điều tối kỵ trong quy trình thi công trải thảm nhựa nóng. Hỗn hợp bê tông nhựa được nung và trộn ở nhiệt độ từ 140oC – 160oC đươc gọi là bê tông nhựa nóng. Khi thi công nhựa phải nóng từ 90-100oC.
Do vậy, theo kinh nghiệm của giới xây dựng, khi rải thảm bê tông nhựa nóng, nhà thầu cần thi công trong điều kiến thời khô ráo, tốt nhất là trời nắng. Cũng có thể thấy ngoài đời sống, chúng ta thường bắt gặp các nhà thầu thi công đường nhựa vào mùa hè. Rất hiếm khi thi công vào mùa đông!
Vì khi mặt đường ướt không thể thổi vệ sinh, nhựa lỏng phun xuống không đảm bảo kết dính, đến lượt nhựa nóng bị làm nguội rất nhanh, kết cấu bên trong có nhiều kẻ hở li ti. Khi đưa vào sử dụng, gặp trời mưa nước thấm xuống phá vỡ hỗn hợp, bong tróc, sụt lún thành cái gọi là “ổ gà”, “ổ voi”, “lượn sóng” và hiện tượng “dồn cục”.
Chưa nói đến lương tri. Chúng tôi thắc mắc, tại sao thi công có thể “múa gậy vườn hoang” như vậy? Hỏi vậy là bởi, giám sát công trình xây dựng – đầu tư công là bộ phận cực kỳ quan trọng, như là “tai mắt” của nhân dân. Trong điều kiện thi không không đảm bảo lực lượng giám sát có quyền yêu cầu dừng.
Tại điểm h, khoản 1, điều 19 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về giám sát thi công xây dựng công trình, ghi rõ: “Yêu cầu nhà thầu tạm dừng thi công khi xét thấy chất lượng thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật,…”. Với câu chuyện nói trên, lực lượng này liệu đã hoàn thành trọng trách?
Theo Điều 14 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, chủ đầu tư có tới “17 nhóm trách nhiệm” trong quản lý công trình xây dựng. Nhưng cả hai chủ thể quan trọng này dường như không phát huy trách nhiệm đúng lúc, đúng chỗ tại quốc lộ 15D ngày 10/10 vừa qua?
Chúng tôi tự hỏi, điều gì xảy ra tiếp theo với đoạn đường này nếu dấu hiệu sai phạm trong thi công không được phản ánh kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng? Như một lẽ thường tình, hỏng thì lại sửa, sửa không đúng kỹ thuật lại tiếp tục hỏng. Cuối cùng “bầu vú ngân sách” tím lịm vì khô cạn.
Khi tai họa ập đến với người tham gia giao thông thì nhà thầu đã cao chạy xa bay. Người bị nạn chỉ còn an ủi mình bằng liều thuốc tinh thần “định mệnh của số phận”.
Trương Khắc Trà