Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã có khoảng 200.000 giao dịch đất nền, gấp 4 lần số giao dịch ở phân khúc căn hộ và nhà ở riêng lẻ.
Tại Hội nghị “Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra chiều ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có báo cáo đánh giá toàn diện thị trường bất động sản năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; dự báo tình hình và đề xuất các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo Bộ Xây dựng, chỉ trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã có trên dưới 200.000 giao dịch đất nền, cao hơn cả con số 170.000 giao dịch của cả năm ngoái. Đáng chú ý, mức này gấp 4 lần số giao dịch ở phân khúc căn hộ và nhà ở riêng lẻ, vốn không có nhiều biến động trong 2 năm qua.
Sự nhộn nhịp của thị trường kéo giá đất nền khắp cả nước tăng cao, bình quân trong quý II/2022 tăng 5-7% so với quý trước đó. Bộ Xây dựng ghi nhận từ cuối tháng 3, một số địa phương vùng ven Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh như Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai… có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh.
Trước đó, trong năm 2021, mặc dù nền kinh tế giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá đất nền vẫn tăng 20-30%. Một số địa phương xảy ra tình trạng sốt đất như khu vực Hớn Quảng (Tân Lợi, An Khương, Bình Phước) được “thổi giá” lên 350-600 triệu đồng/m2, hay giá đất nền ở TP Thủ Đức (TP.HCM) đều ở ngưỡng trên 200 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, giá căn hộ dù không có mức tăng mạnh tương tự nhưng hiện cũng đã tăng khoảng 3% so với thời điểm cuối năm ngoái, riêng ở Hà Nội tăng 4-5%, TP.HCM tăng 1-2%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối quý I, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II.
“Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Tại Hà Nội, TP.HCM hầu như không còn căn hộ chung cư có giá dưới 25 triệu/m2”, Bộ trưởng Xây dựng nói.
Ngoài ra, các sàn giao dịch bất động sản hình thành, hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu ổn định; chưa đảm bảo kiểm soát đầy đủ được thông tin, tính pháp lý trong giao dịch bất động sản. Hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt; một bộ phận môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp; còn một lượng lớn các cá nhân hành nghề “môi giới” bất động sản tự do không có chứng chỉ hành nghề.
Còn giá nhà ở riêng lẻ hiện phổ biến ở mức trên dưới 100 triệu đồng/m2, thậm chí các dự án ở trung tâm vượt 200 triệu đồng/m2. “Giá bất động sản nhà ở đang tăng cao so với thu nhập của người dân”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Bộ Xây dựng lý giải nguyên nhân tăng giá bất động sản là sự chênh lệch cung cầu. Dòng vốn đầu tư từ các lĩnh vực khác đang dồn vào trú ẩn trong bất động sản, đồng thời nhu cầu mua sử dụng của người dân cũng rất cao. Tuy nhiên, tổng lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong nửa đầu năm chỉ khoảng 12.000 căn.
Ở phân khúc nhà ở xã hội cho người dân thu nhập thấp và công nhân, 6 tháng đầu năm cũng chỉ có tổng cộng 13 dự án với quy mô 6.000 căn được hoàn thành xây dựng. Bộ Xây dựng nhìn nhận đây là con số rất hạn chế so với kế hoạch đề ra, chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp.
“Nhiều dự án chuẩn bị triển khai cũng gặp khó khăn trong các thủ tục pháp lý đặc biệt là việc lựa chọn chủ đầu tư, tính tiền sử dụng đất, giao đất”, Bộ nói về vướng mắc hiện tại của nguồn cung bất động sản.
Bên cạnh đó, giá bất động sản cũng chịu tác động khi thời gian thực hiện các dự án kéo dài và chi phí các nguyên vật liệu đầu vào và lãi vay đều tăng cao.
Phương Linh