Luật AI của EU vừa được Nghị viện thông qua. Thêm con dấu từ các thành viên, nó sẽ chính thức trở thành luật AI đầu tiên trên thế giới. Đây sẽ là nguồn tham khảo giá trị cho các nhà làm luật Việt Nam.
Đạo luật có hiệu lực theo từng giai đoạn từ cuối năm nay cho đến giữa năm 2026. Theo đạo luật, đây là những hoạt động về AI sẽ bị cấm ngay lập tức:
- Dùng AI để triển khai các kỹ thuật nâng cao để thao túng hoặc đánh lừa mọi người.
- Dùng AI để lợi dụng điểm yếu của một người, ví dụ tuổi tác, các khuyết tật hoặc hoàn cảnh kinh tế xã hội.
- Dùng AI trong dữ liệu sinh trắc học để suy luận ra các đặc điểm mang yếu tố riêng tư như chủng tộc hoặc khuynh hướng tính dục.
- Dùng AI phân loại con người vì mục đích chấm điểm xã hội.
- Dùng AI để cố gắng dự đoán thử xem một người có phạm tội hay không, trừ khi biết rõ họ liên quan đến hoạt động phạm tội.
- Dùng AI mở rộng cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt bằng cách trích xuất hình ảnh mọi người từ các video ghi hình.
- Dùng AI để cố gắng suy đoán cảm xúc của mọi người ở chỗ làm việc hoặc các cơ sở giáo dục.
Ngoài ra đạo luật còn bao gồm các lệnh cấm sử dụng nhận dạng sinh trắc học từ xa theo thời gian thực trong không gian công cộng. Tuy nhiên lệnh cấm có thể được nới lỏng trong các tình huống liên quan đến tìm kiếm nạn nhân bắt cóc và buôn bán tình dục, hoặc áp dụng cho những người bị nghi ngờ phạm tội nghiêm trọng, hoặc khi cơ quan chức năng đối phó với một mối đe dọa khủng bố cụ thể và sắp xảy ra.
Nếu chiếu theo đạo luật, sẽ có rất nhiều hệ thống AI bị xem là thứ gây rủi ro cao. Khi ấy, các nhà cung cấp phải đảm bảo chúng được triển khai dưới sự giám sát của con người, có mức độ chính xác và an ninh cao, cũng như được đính kèm nhiều tài liệu và phải hoạt động, về cơ bản, tốt như những gì được quảng cáo.
Những hệ thống thuộc loại này bao gồm các hệ thống bảo đảm an toàn sản phẩm, hệ thống nhận dạng sinh trắc học hoặc nhận dạng cảm xúc không nhằm trong danh sách cấm, các hệ thống tuyển dụng, hệ thống đánh giá điều kiện được hỗ trợ dịch vụ công hoặc cấp visa, hệ thống sử dụng trong thực thi pháp luật, hoặc hệ thống là một phần trong cơ sở hạ tầng quan trọng.
Thay vì nói về các mô hình nền tảng (thuật ngữ để chỉ các mô hình như GPT-4 của OpenAI hoặc Gemini của Google), luật mới lại đề cập đến các mô hình AI tạo sinh. Theo đó, những bên phát triển các mô hình này phải luôn cập nhật tài liệu kỹ thuật cho Văn phòng AI của Ủy ban Châu Âu và nhà chức trách của các quốc gia thành viên. Đồng thời họ cũng cần cung cấp một số thông tin nhất định đến những bên muốn sử dụng các mô hình AI tạo sinh này để xây dựng các dịch vụ liên quan, để tất cả đều hiểu đúng về khả năng và hạn chế của các mô hình.
Nói chung, các nhà phát triển mô hình AI tạo sinh sẽ phải xuất bản “bản tóm tắt chi tiết đầy đủ” về những nội dung sử dụng trong quá trình đào tạo. Ấn phẩm này cũng phải tuân theo luật bản quyền của EU. Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ cho các mô hình AI tạo sinh nguồn mở hoàn toàn, chẳng hạn như Llama của Meta.
Nếu một mô hình AI tạo sinh được đánh giá là quá mạnh (GPT-4 và Gemini đã vượt ngưỡng này), thì mô hình đó cũng bị xem là có thể gây nguy cơ có hệ thống. Nhiệm vụ của các nhà phát triển là giảm thiểu các rủi ro đó. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải kiểm tra nghiêm ngặt và thiết lập các biện pháp bảo vệ an ninh tối ưu để đảm bảo hệ thống không làm điều xấu, cũng như thông báo với chính quyền về “các sự cố nghiêm trọng và hướng khắc phục khả thi”.
Nếu vi phạm, các bên có thể đối mặt với tiền phạt lên đến 35 triệu euro (khoảng 38 triệu USD) hoặc 7% doanh thu toàn cầu, tùy theo mức nào cao hơn.
Mỗi quốc gia EU sẽ cần thiết lập ít nhất 1 cơ chế thử nghiệm quản lý (regulatory sandbox), nơi để các công ty có thể phát triển, đào tạo, thử nghiệm và xác nhận hệ thống AI của họ trước khi tung ra thị trường. Trong quá trình ấy, cơ quan chức năng sẽ đồng hành để cung cấp hướng dẫn, giám sát và có nhiệm vụ phối hợp với nhau để bảo đảm tính nhất quán. Điều này nhằm mục đích tạo một không gian để sáng tạo mà không bị ảnh hưởng bởi các luật khác trong tương lai.
Trên đây là những điều cơ bản nhất trong Đạo luật AI mới của EU. Dù sắp chính thức thông qua, thế nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi bủa vây. Liệu đạo luật có giúp EU đạt được sự cân bằng hợp lý giữa an toàn và khuyến khích đổi mới? Liệu đạo luật có khiến EU gặp bất lợi? Đây là những thứ cần thời gian, có thể là rất lâu, để có câu trả lời thỏa đáng. Chỉ có một điều chắc chắn: Với tư cách “đầu tiên trên thế giới”, Đạo luật AI của EU sẽ có sức ảnh hưởng rất lớn.
Tại Việt Nam, AI đã bắt đầu xem như một động lực quan trọng cho định hướng phát triển kinh tế – xã hội. Chính phủ đã nhận định AI sẽ là công nghệ có tính đột phá đồng thời xác định đây sẽ là “mũi nhọn” cần được triển khai nghiên cứu nhằm tận dụng những cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Tuy nhiên, cũng tương tự như nhiều nước, ngoài những chính sách phát triển AI, hệ thống pháp lý vẫn chưa tiếp cận rõ ràng cho AI. AI sẽ mang lại những tác động to lớn về công nghệ, kinh tế và xã hội. Nhưng, đồng thời nó cũng kéo theo những vấn đề mới, những thách thức pháp lý đòi hỏi hệ thống pháp luật phải xây dựng hoàn thiện. Luật mới về AI này của EU sẽ là một nguồn tham khảo giá trị cho Việt Nam.
Quân Bảo