Sau một quá trình dài xây dựng, Điều 79 dự thảo luật quy định về các trường hợp thu hồi đất dưới hình thức liệt kê. Tại các dự thảo trước, Điều 79 bao gồm 30 khoản, tương ứng 30 loại hình dự án.

Mấu chốt vấn đề thu hồi đất nằm ở sự hài hoà về lợi ích của các bên.

Kỹ thuật liệt kê có ưu điểm là chặt chẽ, cụ thể, tránh vướng mắc khi chỉ quy định dưới các tiêu chí định tính, chung chung; tuy nhiên nhược điểm là có thể sẽ phát sinh các loại hình dự án mới cần thu hồi đất trong tương lai nhưng chưa được dự liệu. Do đó, dự thảo đã bổ sung khoản 32, quy định nếu có các trường hợp thu hồi đất phát sinh mới thì Quốc hội sẽ sửa đổi, bổ sung Điều 79 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Quy định này hợp lý bởi Điều 54 Hiến pháp quy định việc thu hồi đất phải do luật định (nên một số ý kiến đề xuất phân quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ bổ sung các trường hợp thu hồi đất là không phù hợp).

Ngoài ra, Chính phủ còn đề xuất một điều khoản “quét” nhằm linh hoạt thu hồi đất để thu hút đầu tư tại khoản 31: “Thu hồi đất để thực hiện các dự án đã được xác định trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh mà được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư”.

Theo phương án này, các dự án phù hợp với quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; đã được Quốc hội hoặc Thủ tướng chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư thì được bổ sung vào các trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Đề xuất này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện linh hoạt trong thu hồi đất thực hiện các dự án quan trọng (có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ở cấp cao). Tuy nhiên, tôi cho rằng cần đánh giá cẩn trọng quy định này để tránh gây ra hiện tượng “con gà – quả trứng”. Bởi nếu dự án đầu tư kinh doanh thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì sẽ tương ứng với hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Tương ứng với 2 hình thức lựa chọn nhà đầu tư nêu trên thì pháp luật đầu tư đã có quy định về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư. Cụ thể, theo Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, hồ sơ phải bao gồm danh mục dự án thu hồi đất đã được HĐND cấp tỉnh thông qua nếu đề xuất lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá hoặc đấu thầu.

Hiện tượng “con gà – quả trứng” ở đây là: Trước khi một dự án được Quốc hội hoặc Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải thuộc danh mục dự án thu hồi đất, tức là điều kiện tiên quyết là dự án đó phải thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Như vậy, không thể có tình huống dự án được Quốc hội hoặc Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư thì được bổ sung vào trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà ngược lại, dự án phải thuộc trường hợp được thu hồi đất thì mới được nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư.