Nội dung khiến nhiều người dân và chuyên gia quan tâm, cho ý kiến là quy định về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư sau khi bị thu hồi đất để làm dự án hoặc phục vụ các mục đích công cộng.

Việc đảm bảo chất lượng tái định cư của người dân có đất bị thu hồi vẫn là bài toán “nóng”

Băn khoăn quy định tái định cư

Theo đó, tại điều 89 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Tại Hội thảo góp ý do Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức, PGS TS. Trần Trọng Phương – Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chỉ ra rằng, Dự thảo quy định thu hồi đất phải 100% người dân đồng tình sẽ khó thực hiện và triển khai không khả thi. Thực tế cho thấy, việc thu hồi đất luôn là câu chuyện khó khăn, có thể nói là rất khó để nhận được sự đồng thuận của 100% người dân. Do đó, đề xuất 80% sự đồng thuận là có thể tiến hành phương án thu hồi.

Trong khi đó, về nguyên tắc bồi thường, tái định cư, thạc sĩ Nguyễn Thị Bảo Nga, Viện Nhà nước và Pháp luật, cũng cho rằng đây là lần đầu tiên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sống bằng hoặc tốt hơn chỗ cũ được đề xuất ghi nhận trong đạo luật về đất đai. Việc này thể hiện sự nỗ lực của Nhà nước khi cam kết trách nhiệm đảm bảo quyền và lợi ích cho người có đất bị thu hồi.

Tuy nhiên, bà Nga cho rằng muốn đảm bảo đời sống người dân sau khi thu hồi đất bao gồm cả chỗ ở, sinh hoạt, chuyển đổi sinh kế và tâm lý, cần có cơ sở hạ tầng đầy đủ và tốt nhưng dự thảo lại chưa quy định cụ thể về những điểm này.

Đồng quan điểm, LS Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết nguyên tắc bồi thường tái định cư được nhiều người dân hưởng ứng. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa nhắc tới điều kiện sống khác như điện, đường, trường, trạm sau khi người dân tái định cư.

Cần lượng hóa nguyên tắc bồi thường, tái định cư

Lượng hóa nguyên tắc bồi thường, tái định cư

Theo LS Trần Hữu Huỳnh, việc xem xét khía cạnh về chỗ ở, điều kiện sống tương đối trực quan và dễ đối chiếu. Nhưng khó nhất là việc xác định vấn đề thu nhập liệu có bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ hay không. Đây là điểm rất dễ xảy ra khiếu nại, khiếu kiện và khó xét xử.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, việc xác định “hơn nơi ở cũ” là hơn thế nào, thu nhập là bao gồm những thu nhập gì rất khó để đo đếm. Ông cũng cho biết hiện nay, cách tiếp cận của Luật Đất đai với việc thu hồi đất chỉ chú ý đến khía cạnh vật chất. Trong khi đó, khía cạnh đời sống tinh thần, tình cảm của những gia đình bị thu hồi đất lại chưa được chú trọng.

Cùng quan điểm trên, góp ý dự thảo, bà Nguyễn Thị Oanh – Phó Chánh Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đồng Nai cho rằng Luật cần có quy định cụ thể về các điểm như sau. Thứ nhất, bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất bị giải tỏa nhà ở (xây dựng trên đất không phải là đất ở) và không còn chỗ ở nào khác. Thứ hai, suất tái định cư tối thiểu.

Thứ ba, quy định rõ về việc mua suất tái định cư. Vị đại biểu phản ánh chính sách tái định cư còn một số bất bập (có trường hợp người dân có 2.000m2 đất nông nghiệp nhưng không có nhà nên không được tái định cư trong khi trường hợp có diện tích đất rất nhỏ có xây dựng trái phép thì được tái định cư).

Việc bố trí tái định cư phải bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tránh xảy ra các tranh chấp dai dẳng kéo dài dễ trở thành điểm “nóng” cho các đối tượng thù địch lợi dụng các quyền tự do dân chủ để kích động, chống phá Đảng và Nhà nước.

“Và cuối cùng, nên nghiên cứu tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại” – bà Oanh kiến nghị.

Diệu Hoa