samsung-2

Với những chính sách mở cửa, ưu đãi và môi trường kinh doanh hấp dẫn, trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút được một số lượng lớn dự án và nguồn vốn FDI.

Báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới công bố cho thấy, với số vốn FDI 16 tỷ USD năm 2020, lần đầu tiên, Việt Nam lọt top 20 nước thu hút FDI nhất thế giới. Vị trí mà Việt Nam nắm giữ hiện tại là thứ 19, tăng 5 bậc so với năm 2019 bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo này, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu dự kiến sẽ chạm đáy vào năm 2021, và phục hồi một phần với mức tăng khoảng 10 – 15%. Dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 đã giảm 35% xuống còn 1.000 tỷ USD từ mức 1.500 tỷ USD năm 2019. Việc đóng cửa biên giới trên khắp thế giới để đối phó với đại dịch Covid-19 đã làm trì hoãn các dự án đầu tư hiện có và triển vọng suy thoái khiến các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) phải đánh giá lại các dự án mới.

Sự sụt giảm FDI xảy ra nhiều hơn ở các nền kinh tế phát triển, nơi vốn FDI đã giảm 58%, lý do một phần vì tái cơ cấu doanh nghiệp và các dòng tài chính ổn định. FDI vào các nền kinh tế đang phát triển giảm ít hơn, ở mức 8%, chủ yếu là do chu chuyển linh hoạt ở châu Á. Kết quả là, các nền kinh tế đang phát triển hiện chiếm 2/3 tổng vốn FDI toàn cầu, tăng so với mức gần 1/2 trong năm 2019.

Việt Nam cũng được đánh giá còn nhiều dư địa để cạnh tranh nguồn vốn FDI trong xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu hiện nay với các đối thủ lớn khác, điển hình như Trung Quốc.

Untitled-1

 

Với những chính sách mở cửa, ưu đãi và môi trường kinh doanh hấp dẫn, trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút được một số lượng lớn dự án và nguồn vốn FDI. FDI đã đóng góp lớn trong việc gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngoài ra, khu vực FDI cũng đã góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân, ổn định tình hình xã hội.

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, có thể lấy Tập đoàn Samsung làm ví dụ cho sự đóng góp của khu vực này. Đến nay, Tập đoàn này đã đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam và thường xuyên chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước thông qua mặt hàng chính điện thoại cao cấp và linh kiện điện tử. Hiện, Samsung thu hút hơn 170 nghìn lao động làm việc trong các nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh, Thái Nguyên…

Theo Cục đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm, đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, đầu tư của một số đối tác lớn như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng lên so với cùng kỳ.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, thời gian tới, để thu hút được đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như: Mỹ và khối EU, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh như: tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.

Trước những “cơ hội vàng” của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Theo đó, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho biết, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những tác động của dịch bệnh COVID-19. Tiếp theo, cần chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản.

Để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, tham gia của cả doanh nghiệp và Chính phủ; đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI; trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần có chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng thời kỳ, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

Linh Nga