Cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng thống Mỹ Biden tại Nhà Trắng

Vụ rò rỉ tài liệu bí mật của Mỹ về Ukraine đã gây ra thiệt hại nặng nề cho Ukraine và các nước hậu thuẫn Kiev. Các dữ liệu và báo cáo cho thấy nhiều vấn đề trong liên minh này, bao gồm sự thiếu tin tưởng của các nhà tài trợ về khả năng giành chiến thắng của Ukraine, hay nguy cơ cạn kiệt vũ khí. Thế nhưng, ít ai để ý rằng, vụ rò rỉ này có thể đem tới một “điềm lành” cho chính quyền Kiev.

Từ trước tới nay, những mâu thuẫn xung quanh tham vọng của Kiev với góc nhìn có phần thực dụng của phương Tây trong đánh bại Nga đã không còn là vấn đề mới. Theo các nhận định của giới chuyên gia, tham vọng giành lại cả vùng Donbass và Crimea của Kiev là bất khả thi, trong khi ít chính trị gia trong nước nào dám lên tiếng về vấn đề đó trước tâm lý dân tộc đang thắng thế và sôi sục ở đây.

Đây chính là lý do lớn khiến chính quyền Biden và châu Âu dè dặt trong tiếp đạn cho Ukraine. Thế nhưng, vụ rò rỉ tài liệu mới của giới tình báo Mỹ là một cái cớ không thể tốt hơn để Mỹ phải chứng minh “sự hỗ trợ đến khi nào còn cần thiết” cho Kiev.

Kiev giận dữ vì Mỹ “coi thường”?

Giới quan chức của Ukraine nói rằng tài liệu mật bị rò rỉ cho thấy Mỹ “một lần nữa đánh giá thấp” khả năng quân sự của Kiev. Thậm chí, dù bỏ nhiều tiền của và công sức cho Ukraine, nhưng các thông tin mật cho thấy bản thân giới chức Mỹ cũng không mấy tin tưởng vào khả năng thành công của cuộc phản công mùa xuân sắp tới của Ukraine.

Một nguồn tin của tờ Politico tiết lộ: “Chính những người Mỹ đã nói rằng Kiev sẽ thất thủ trong mấy ngày nữa, giờ đang rò rỉ thông tin tai hại và ngay trước một cuộc tấn công cực kỳ quan trọng”.

Rõ ràng, điều này đã làm gia tăng sự nghi ngờ về mức độ nghiêm túc mà Mỹ dành cho Ukraine, cũng như càng củng cố chiến lược của ông Putin rằng một cuộc chiến dài hơi và tốn kém sẽ vượt quá sức chịu đựng của Mỹ và phương Tây.

Các quan chức Ukraine cũng tức giận trước những rò rỉ liên tục về một loạt đánh giá khác của Mỹ, bao gồm kết nối Ukraine với vụ ám sát con gái của một người theo chủ nghĩa dân tộc nổi tiếng của Nga, hay một nhóm thân Kiev đứng đằng sau vụ đánh bom đường ống Nord Stream.

Một quan chức quốc phòng Ukraine cho biết sự thất vọng khi có một số người tiếp tục do dự về cơ hội quân sự của Ukraine trong cuộc phản công, nhưng chúng tôi đã chứng minh rằng mọi người đã sai. Sự giận dữ đang lan truyền trong chính phủ Ukraine, và điều đó đang buộc Mỹ phải hành động để giảm thiểu thiệt hại.

Mỹ phải hành động để “cứu vãn” uy tín

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tiết lộ rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã liên lạc để khẳng định “sự ủng hộ chắc chắn của Mỹ và kịch liệt bác bỏ mọi nỗ lực gây nghi ngờ về khả năng giành chiến thắng của Ukraine trên chiến trường”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã nói chuyện với người đồng cấp Ukraine, Oleksii Reznikov, để truyền đạt thông điệp tương tự cho Ukraine. Quan chức quốc phòng Ukraine cũng khẳng định rằng Kiev đã nhận được sự đảm bảo về cam kết tiếp tục của Mỹ từ Austin và các nhân vật hàng đầu khác của chính quyền Biden.

Những cam kết mới sẽ phải được chứng minh bằng hành động. Không chỉ phải tăng thêm ngân sách hỗ trợ cho Kiev, giờ đây giới quan chức Mỹ bắt đầu phải suy nghĩ về khả năng bàn giao thêm các loại vũ khí và đạn dược quy mô lớn hơn cho chiến trường.

Đây có thể là cơ sở để Kiev tin rằng họ sẽ nhận được nhiều sự hậu thuẫn về vũ khí hơn nữa từ Mỹ, không chỉ bao gồm các xe tăng chiến đấu hiện đại, mà còn là các tên lửa tầm xa 150-300km hay xa hơn nữa là máy bay chiến đấu.

Bấy lâu nay Kiev luôn hối thúc Mỹ chuyển giao tên lửa cấp chiến thuật lục quân (ATACMS) với tầm bắn 300km. Đây là một trong những vũ khí tối tân nhất đã được chứng minh về hiệu quả tác chiến trong chiến sự Nga-Ukraine.

Dù mới chỉ nhận được hệ thống HIMARS, Ukraine đã có thể đánh bật nhiều lực lượng xe tăng và cơ giới mạnh mẽ của Nga khỏi vòng chiến đấu. Đó là lý do Kiev kỳ vọng vũ khí này có thể giúp quân đội Ukraine giành lại các khu vực đã rơi vào tay Nga ở vùng phía Đông. Thậm chí, Kiev còn có thể nghĩ tới máy bay chiến đấu tối tân như F-35

Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ chính quyền Biden không dám giao quá nhiều vũ khí tầm xa vào tay Kiev vì sợ họ có thể tấn công sang lãnh thổ Nga và leo thang chiến tranh.

Với những cam kết mới nhất, giới chuyên gia đang chờ đợi xem Mỹ sẽ làm gì để lấy lại niềm tin với Kiev. Dù gì đi nữa, sự kiện mới cũng chỉ đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc chiến và khiến viễn cảnh kết thúc xung đột trở nên xa vời.

Trường Đặng