vang-quoc-te

Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã có cú bứt phá mạnh từ 1.745USD/oz lên mức 1.782USD/oz.

Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã có cú bứt phá mạnh từ 1.745USD/oz lên mức 1.782USD/oz, nhưng sau đó lại giảm xuống 1.755USD/oz và đóng cửa ở mức 1.757USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng tăng từ mức 57,45 triệu đồng/lượng lên mức 57,85 triệu đồng/lượng, nhưng khối lượng giao dịch rất trầm lắng.

Sở dĩ giá vàng quốc tế tăng mạnh lên mức 1.785USD/oz do báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) của Mỹ tháng 9 kém khả quan hơn nhiều so với dự báo. Theo đó, số liệu việc làm phi nông nghiệp tháng 9 chỉ đạt 194.000 việc làm, thấp hơn cả mức 366.000 việc làm (số liệu công bố lần đầu là 235.000 việc làm) của tháng 8 và kém xa mức dự báo 500.000 việc làm. Đây là số lượng việc làm được tạo ra hàng tháng thấp nhất trong vòng 9 tháng qua. Sự sụt giảm mạnh việc làm do số việc làm trong lĩnh vực giáo dục giảm mạnh và người dân Mỹ vẫn còn do dự đi làm do biến thể Delta hoành hành trong tháng 9.

Tuy nhiên, báo cáo việc làm của Mỹ giảm mạnh trong tháng 9 có thể không ảnh hưởng tới kế hoạch thu hẹp Chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tháng 11 tới, bởi bước sang tháng 10, số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ có chiều hướng giảm dần, các trường học đã mở cửa trở lại, đặc biệt nhiều người cũng đã quay trở lại làm việc… Hơn nữa, xét trên khía cạnh tổng thể, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống 4,8% từ mức 5,2% trong tháng 8. Ngoài ra, trần nợ công của Mỹ đã được tạm thời nâng lên cho tới tháng 12 tới cũng đã tạo điều kiện cho chính quyền Biden triển khai các gói kích thích kinh tế. Đó chính là lý do khiến giá vàng đã giảm mạnh xuống mức 1.755USD/oz sau khi tăng vọt lên 1.782USD/oz khi báo cáo việc làm được công bố.

Mặc dù vậy, giá vàng cũng khó giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, và lạm phát vẫn có xu hướng tăng cao, khiến FED và các ngân hàng trung ương khác chưa thể siết chặt mạnh mẽ chính sách tiền tệ, mà có thể sẽ siết chặt tiền tệ theo lộ trình vừa phải. Do đó, chi phí cơ hội nắm giữ vàng vẫn sẽ ở mức thấp. Tuy nhiên, hiện nhu cầu vàng vật chất vẫn còn ở mức thấp trong nhiều năm qua, còn nhu cầu đầu tư chưa thực sự bền vững. Do đó, giá vàng chưa thể hình thành xu thế tăng mạnh trong ngắn hạn.

Trong tuần tới, FED sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 9, nhiều chuyên gia dự báo biên bản cuộc họp này có thể vẫn sẽ khẳng định FED sẽ thu hẹp QE vào tháng 11 tới, dù báo cáo việc làm tháng 9 không khả quan như dự kiến. Điều này có thể sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng tuần tới. Ngược lại, nếu FED cho rằng sẽ tiếp tục theo dõi số liệu kinh tế để quyết định việc thu hẹp QE, thì sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng tuần tới.

gia-vang-tuan-toi

Giá vàng tuần tới có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh, tích lũy.

Bên cạnh đó, Mỹ còn công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9, dự kiến vẫn tăng 5,3% so với cùng kỳ như tháng 8. Ngoài ra, còn có các chỉ số quan trọng khác, như chỉ số giá sản xuất (PPI) dự kiến tăng 0,6% trong tháng 9; doanh số bán lẻ giảm 0,3%… Nếu đúng như dự báo, thì các chỉ số này không tác động nhiều đến kế hoạch thu hẹp QE của FED cũng như giá vàng tuần tới.

Ông Frank Cholly, Chuyên gia phân tích chiến lược của Tập đoàn RJO Futures, cho rằng giá vàng đã mất đà tăng sau khi không vượt qua được mức 1.782USD/oz (MA50). Nếu giá vàng tuần tới vẫn đóng cửa ở dưới mức 1.782USD/oz, thì sẽ tiếp tục điều chỉnh, củng cố trong ngắn hạn. Ngược lại, giá vàng tuần tới sẽ tiếp cận vùng giá 1.800USD/oz, nhưng sẽ đối mặt với mức kháng cự mạnh tại 1.835USD/oz. Trong khi đó, mức hỗ trợ đầu tiên của giá vàng tuần tới đang ở 1.720USD/oz, kế tiếp là 1.670USD/oz.

Ngọc Anh