Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, logistics giữ vai trò quan trọng trong dây chuyền thương mại từ người bán đến người mua.
Mắt xích không thể thiếu trong thương mại điện tử
Hệ thống logistics giữ vai trò quan trọng giúp liên kết và tối ưu toàn bộ quá trình sản xuất và lưu thông trên phạm vi rộng, xuyên biên giới, từ trong quốc gia, trong khu vực và đến toàn thế giới. Đối với toàn bộ quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, việc ứng dụng hệ thống logistics là một bước phát triển cao hơn của dịch vụ giao nhận kho vận, dịch vụ vận tải đa phương thức.
Thời gian qua, nhờ sự phát triển bùng nổ của nền tảng số và tác động của các hoạt động chống dịch như giãn cách, thói quen tiêu dùng và mua sắm của người tiêu dùng từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng trực tuyến đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các trang thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Lazada, Shopee… hoạt động sôi nổi. Quá trình giao dịch mua bán trên mạng với các mặt hàng thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm… được ghi nhận mức tăng rất mạnh. Điều đó đã góp phần giúp một bộ phận logistics đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 không bị thiệt hại quá sâu.
Theo TS. Trịnh Thị Thanh Thủy – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, trong thương mại điện tử, dù giao dịch được thực hiện trên môi trường mạng nhưng dịch vụ logistics và chuyển phát chính là mắt xích không thể thiếu để hoàn thành các đơn hàng thương mại điện tử của nhóm sản phẩm hữu hình.
Bên cạnh sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, vận tải và logistics trong thương mại điện tử của Việt Nam cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng tăng cao.
Nhiều tập đoàn và doanh nghiệp bán lẻ như Vincommerce, Thế giới di động, FPT, Lotte, Aeon… đang định hướng phát triển E-commerce. Với tiềm năng đầy triển vọng, thương mại điện tử Việt Nam cũng thu hút các đại gia đầu ngành của thế giới như Alibaba, Amazon… gia nhập vào thị trường, điều này cũng khiến cho lĩnh vực logistics trở nên sôi động hơn.
TS. Trịnh Thị Thanh Thủy cho rằng, trong bán lẻ truyền thống, giới hạn bán kính phục vụ của nhà bán lẻ là nhân tố quyết định đặc điểm khách hàng và các nỗ lực cung ứng dịch vụ, thì trong thương mại điện tử, thị trường được mở rộng không giới hạn. Khách hàng tại một quốc gia có thể đặt mua một sản phẩm hàng hoá bất kỳ tại quốc gia khác qua website, thông tin đơn hàng sẽ được truyền đi và chấp nhận với tốc độ gần như tức thời.
Tuy nhiên, hàng hóa không thể đến khách hàng ngay lập tức mà vẫn cần vượt qua khoảng cách địa lý nhất định để đến tay khách hàng. Toàn bộ các hoạt động nhằm hỗ trợ việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng qua các giao dịch mua bán điện tử được gọi là hoạt động e-logistics.
Với lợi ích của phân phối trực tuyến là không phụ thuộc vào thời gian và địa điểm cung cấp, do khách hàng có thể truy cập các thông tin về hàng hóa và kết nối giao dịch thông qua mọi thiết bị di động như máy tính cầm tay, sách điện tử, điện thoại di động… có khả năng truy cập Internet. Điều này giúp nhà bán lẻ hoặc nhà sản xuất liên hệ trực tiếp với khách hàng và đáp ứng mong muốn mua hàng của khách ngay lập tức và vào bất kỳ thời điểm nào. Đồng thời tạo ưu thế về giá và chi phí từ việc sản xuất, lưu kho, và phân phối ở mức chi phí thấp hơn. Chính vì vậy trong thương mại điện tử B2C (mô hình về giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng) các hoạt động e-logistics sẽ trở nên rất quan trọng.
Nhiều thách thức phải đối mặt
Cũng theo TS. Trịnh Thị Thanh Thủy, tuy là một lĩnh vực đang phát triển, dịch vụ logistics ở Việt Nam cũng có nhiều thách thức phải đối mặt. Một số doanh nghiệp (như Lazada) có mạng lưới giao hàng riêng, nhưng cũng có những hạn chế. Ngay cả khi có mạng lưới logistics của riêng mình, doanh nghiệp vẫn phải dựa vào các đối tác 3PL (Logistics bên thứ ba hay logistics hợp đồng) để thực hiện các đơn đặt hàng của thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Việt Nam chủ yếu là nền kinh tế dựa trên tiền mặt, với hầu hết các giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt để thanh toán. Các doanh nghiệp thương mại điện tử buộc phải dựa vào tiền mặt khi giao hàng, dẫn đến chi phí hoạt động cao hơn.
Hiện nay, tỷ lệ chi phí dành cho dịch vụ logistics và chuyển phát tại Việt Nam còn khá cao trong các giao dịch sản phẩm hữu hình của thương mại điện tử. Mặt khác, người tiêu dùng ít nhiều còn e ngại về thời gian giao hàng không đúng cam kết, khó truy vết người bán hay khâu trả lại hàng còn nhiều phức tạp, dẫn đến giá mua hàng trực tuyến không thấp hơn nhiều so với mua hàng theo phương thức truyền thống.
Bà Thuỷ cho biết, giao hàng chặng cuối là cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử do khách hàng luôn mong đợi giao hàng nhanh chóng và đáng tin cậy. Hiện tại, một số nền tảng thương mại điện tử đã phát triển hoạt động logistics riêng bao gồm kho bãi, bao gói hàng hoá và vận chuyển. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp tham gia vào thương mại điện tử không thể tự phát triển toàn bộ các hoạt động logistics cho doanh nghiệp mình, tạo ra nhu cầu cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics 3PL. Các doanh nghiệp như Shopee và Sendo sử dụng các đối tác 3PL như Giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh…
Trên nền tảng giao dịch thương mại điện tử, các hãng cũng phải đối mặt với tình trạng sản phẩm bị trả lại, đổi, hỏng. Ngoài ra, 75% đơn hàng thương mại điện tử hàng ngày được giao dịch ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, những nơi có lượng truy cập lớn, làm tăng chi phí. Hơn nữa, khung pháp lý và các quy định liên quan đến lĩnh vực logistics vẫn còn nhiều khó khăn và phức tạp. Các vấn đề chặng cuối phải được giải quyết và việc vận chuyển hàng hóa đến các vùng xa, nông thôn cũng là một thách thức. Những vấn đề này trở nên rõ ràng hơn khi các doanh nghiệp bán lẻ tìm cách giành được chỗ đứng bên ngoài các thành phố lớn có trình độ mua sắm và tiêu dùng cao như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Đặc thù của thương mại điện tử là có độ phủ thị trường rộng, độ phân tán hàng hóa cao, quy mô nhỏ lẻ, tần suất mua lớn, mặt hàng đa dạng, thường yêu cầu thời gian giao hàng nhanh chóng, miễn phí và thu tiền tận nơi. Các dòng di chuyển hàng hóa lúc này mở rộng đáng kể về phạm vi, khoảng cách, tính phức tạp, nên e-logistics có những khác biệt rất lớn với logistics truyền thống, nếu không được tổ chức tốt thì hiệu quả của mô hình này sẽ giảm đáng kể.
Tuỳ theo quy mô, trình độ và đặc điểm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong từng lĩnh vực, có thể phát triển các hoạt động logistics tại doanh nghiệp của mình để chủ động và nâng cao hiệu quả, nhưng điểm mấu chốt và tiên quyết là phải phát triển nguồn nhân lực logistics và nâng cao năng lực ứng dụng khoa học và công nghệ vào các hoạt động logistics tại doanh nghiệp.
Lan Vũ