AC Energy Holding – một công ty thành viên chuyên về sản xuất điện thuộc Tập đoàn Ayala của tỷ phú Philippines Jaime Zobel de Ayala mới đây đã đưa ra thông báo rằng họ đang đầu tư 445 triệu USD để xây dựng 5 trang trại điện gió tại Việt Nam với tổng công suất hàng năm là 440 MW điện.

gio

Với suất đầu tư từ 2,5 – 3 tỷ USD/GW điện gió ngoài khơi, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút hàng trăm tỷ USD trong thập niên tới.

Địa điểm 5 trang trại điện gió được xây dựng bao gồm Mũi Né với 170 MW, trang trại Lạc Hòa, Hòa Đông với tổng công suất 60 MW, trang trại điện gió Quảng Bình 252 MW; và trang trại gió Ninh Thuận 88 MW.

Tập đoàn đặt mục tiêu đưa 5.000 MW năng lượng tái tạo phủ rộng toàn Đông Nam Á vào năm 2025. Trước đó, ông John Eric Francia, Chủ tịch của AC Energy chia sẻ: “Tôi tin rằng, thị trường Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ 2 con số, do vậy sẽ cần nhiều nguồn cung năng lượng trong khi đang khan hiếm nguồn vốn cho đầu tư phát triển”.

Trước đó, Tập đoàn Enterprize Energy (Anh) cũng gây chú ý khi ký kết biên bản hợp tác về dự án điện gió Thăng Long Wind ngoài khơi Mũi Kê Gà, Bình Thuận. Với công suất 3.400 MW cùng vốn đầu tư 11,9 tỷ USD, đây được xem là dự án nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay được đề xuất.

Một số địa phương mới đây cũng đã đề xuất với Bộ Công Thương và Chính phủ cho phép triển khai dự án các điện gió ngoài khơi, trong đó tập trung nhiều nhất ở tỉnh Bình Thuận. Ông Ian Hatton, chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy chia sẻ: “Với tiềm năng gió của Việt Nam kết hợp với sự phát triển nhanh chóng về công nghệ hiện nay, dự án Thăng Long Wind sẽ đảm bảo phát điện và giữ ổn định lưới điện thông qua hệ thống tích trữ năng lượng LAES theo các quy định của Việt Nam, đồng thời xây dựng đề án sản xuất khí Hydro và Amonia từ điện phân nước biển để phục vụ cho nền kinh tế xanh của Việt Nam trong tương lai”.

Trên thực tế, các ông lớn ngành năng lượng đã bắt đầu tập trung đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo. Đặc biệt là trong thời điểm chính phủ các quốc gia trong khu vực đang tìm phương án loại bỏ dần các nhà máy điện chạy bằng than và các nhiên liệu hóa thạch khác, cuộc chạy đua này ngày càng trở nên sôi động hơn.

Trong khi đó, theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), tới năm 2030, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam sẽ đạt 137,2 GW. Trong đó, nhiệt điện than 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, còn lại là các nguồn năng lượng khác.

Đến năm 2045, tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7 GW. Trong đó, nhiệt điện than 18%; nhiệt điện khí 24%; thủy điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%.

Theo Viện Năng lượng, Quy hoạch điện VIII sẽ thúc đẩy phát triển năng lượng sạch từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Điều này cho thấy Việt Nam đang đi đúng với xu hướng phát triển của thế giới.

dien-gio

Triển vọng phát triển điện gió ngoài khơi cho đến năm 2030 đang thuộc về các nước trong khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực điện gió, tiềm năng của Việt Nam là vô cùng lớn. Nói như ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thì với suất đầu tư từ 2,5 – 3 tỷ USD/GW điện gió ngoài khơi, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút hàng trăm tỷ USD trong thập niên tới. Tỷ lệ nội địa hóa tới trên 50% còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong lĩnh vực này.

Điểm nghẽn hiện nay nằm ở vấn đề trong khi chúng ta cần thu hút đầu tư lớn vì điện gió yêu cầu chi phí đầu tư rất lớn và thời gian thu hồi vốn dài, thì thực tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thị trường điện và hành lang pháp lý liên quan. Do đó, đây là một bài toán đòi hỏi có sự chia sẻ giữa các bên liên quan, kết hợp kinh nghiệm quốc tế với điều kiện của Việt Nam.

Báo cáo của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC2) phát hành tháng 3/2021 nêu rõ, giai đoạn 2001 – 2020, tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi là 35 GW thì sau 5 năm, từ năm 2021 đến 2025, tổng công suất lắp đặt là dự kiến 70 GW và từ năm 2021 đến năm 2030 dự kiến là 234 GW. Châu Á bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam là các nước và vùng lãnh thổ có tiềm năng phát triển nhất.

Ngoại trừ Việt Nam chưa chính thức công bố, các nước và vùng lãnh thổ nêu trên đều đặt ra các mục tiêu hết sức tham vọng từ năm 2020 đến 2030, cụ thể là Trung Quốc từ 9W lên 50 GW, Ấn Độ từ 5 GW lên 30 GW, Đài Loan từ 0,128 GW lên 15 GW, Hàn Quốc từ 0,145 GW lên 12 GW, Nhật Bản từ 0,62 MW lên 10 GW. Như vậy, triển vọng phát triển điện gió ngoài khơi cho đến năm 2030 đang thuộc về các nước trong khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Điện gió ngoài khơi của Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật khoảng 475 GW (theo báo cáo của Ngân hàng thế giới – WB) hay khoảng 162 GW (theo báo cáo của Cơ quan năng lượng Đan Mạch-DEA).

Nhận định từ Nhóm ngân hàng thế giới (WBG) tháng 4/2021 cũng cho rằng, để thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, tổ chức tài chính và nhà sản xuất trên thế giới phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam thì quy mô của thị trường với các mục tiêu phải đủ lớn, lộ trình rõ ràng, chính sách phù hợp.

Đặc biệt, xuất phát từ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới, các công ty tư vấn quốc tế cũng đã có những khuyến nghị Việt Nam nên cho phép triển khai một số dự án đủ lớn theo giai đoạn để khởi động cho lĩnh vực này. Cơ chế, thủ tục lựa chọn dự án, nhà đầu tư và các vấn đề pháp lý liên quan là các nội dung cần được các cơ quan hữu quan hướng dẫn sớm để tạo môi trường thu hút đầu tư, phát triển nguồn điện gió ngoài khơi đầy tiềm năng mang tầm cỡ thế giới của Việt Nam.

Thy Hằng