Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, trao quyết định đầu tư nhà máy điện LNG cho nhà đầu tư

Tính đến ngày 20/3/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 3,85 tỷ USD, bằng 93,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, mặc dù tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh chỉ bằng 79,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong quý I năm nay, nhờ một loạt dự án lớn đổ vào Việt Nam cho nên tổng vốn đăng ký cấp mới tăng 44,8% so với năm 2019.

Trong quý I năm 2020, cả nước có 758 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5,5 tỷ USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số dự án lớn đổ vào Việt Nam trong quý I năm nay, gồm: Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG.

Theo kế hoạch, dự kiến đến cuối tháng 12/2020, nhà đầu tư sẽ hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư dự án. Trong 36 tháng tiếp theo sẽ triển khai xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG và xây dựng trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tuabin khí giai đoạn 1 (750MW) vào cuối năm 2023. Sau đó, nhà đầu tư sẽ tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200 MW trước tháng 12/2027.

Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh.

Dự án chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 138 triệu USD.

Dự án nhà máy Sews – components Việt Nam (Nhật Bản) với mục tiêu sản xuất các linh kiện điện và điện tử cho ô tô và mô tô; sản xuất các sản phẩm từ Plastic tại Hưng Yên điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 75,2 triệu USD.

Dự án sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị ngoại vi và thiết bị quang học (Đài Loan) tại Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 68 triệu USD.

Trong quý 1, đã có 87 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,54 tỷ USD, chiếm 53,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 846,7 triệu USD, chiếm 9,9% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 815,6 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố, trong đó Bạc Liêu dẫn đầu với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 46,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1 tỷ USD, chiếm 12,3% tổng vốn đầu tư. Tây Ninh đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký đạt 506,8 triệu USD, chiếm 6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu,…

Báo cáo về tác động của dịch COVID-19 tới hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong quý I/2020, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, một trong những ảnh hưởng lớn nhất, đó là khiến các chuyến công tác tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng bị hủy bỏ hoặc trì hoãn.

Trước thực tế này, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, như Korcham, Eurocham đã kiến nghị các cơ quan, ban ngành liên quan phối hợp thực thi các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp FDI, như gia hạn khoản nợ vay ngân hàng, giảm lãi vay, gia hạn thời gian đóng thuế cho doanh nghiệp…

Trong khi đó, Cục Đầu tư nước ngoài kiến nghị rằng, cần tạo thuận lợi cho các chuyên gia trong các dự án đầu tư nước ngoài trong việc nhập cảnh theo hình thức đặc biệt. Đó là sau khi có xét nghiệm âm tính, thì được làm việc tại khu độc lập, tự cách ly, do UBND tỉnh bảo lãnh và giám sát.

Bên cạnh đó, cho phép các chuyên gia, kỹ thuật nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp FDI được gia hạn Giấy phép lao động để tạm thay thế cho những người chưa được nhập cảnh. Cùng với đó, cấp giấy phép lao động cho chuyên gia Đài Loan thay thế cho chuyên gia của Trung Quốc không vào được Việt Nam.

Một đề xuất quan trọng khác để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp FDI, đó là cho phép áp dụng thủ tục thông quan nhanh đối với nguyên vật liệu, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất trong thời gian đang có dịch, các doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Dựa trên kết quả hậu kiểm sau thông quan và công tác quản lý nhà nước sau này, trường hợp lợi dụng chính sách đặc biệt trong thời gian dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các bộ ngành, địa phương nên dừng tất cả các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp FDI trong thời gian có dịch để doanh nghiệp tập trung sản xuất – kinh doanh, phục hồi hoạt động sau tác động của dịch bệnh, trừ trường hợp có nghi vấn hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đồng thời, xem xét, giải quyết các đề xuất xin giãn tiến độ thực hiện dự án do khó khăn dịch bệnh; kéo dài thời hạn nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới dự án đầu tư…