Doanh thu thu phí BOT rơi thẳng đứng do dịch COVID-19.

Những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã khiến cho doanh thu của nhiều trạm thu phí trên các tuyến cao tốc đã có sự sụt giảm nghiêm trọng. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ vỡ phương án tài chính đối với các nhà đầu tư BOT.

Tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đã khiến doanh thu thu phí nhiều tuyến đường cao tốc bị sụt giảm từ 15% – 20%. Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa công bố báo cáo về tình hình kinh doanh trong quý I/2020 trên 4 tuyến cao tốc mà DN này đang quản lý với những con số giật mình. Cụ thể, VEC phục vụ 11,57 triệu lượt phương tiện, giảm 2,4% về lượng và 3% về doanh thu so cùng kỳ năm 2019.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 là cao tốc Nội Bài – Lào Cai, khi lượng phương tiện qua tuyến trong quý I chỉ bằng 93% cùng kỳ năm ngoái, với 2,86 triệu lượt phương tiện; doanh thu giảm 14,1%. Phương tiện qua cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình sụt giảm 1,8%, chỉ còn khoảng 4,3 triệu lượt phương tiện.

Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây tiếp nhận trên 4 triệu lượt phương tiện, sụt giảm không đáng kể về lượng, nhưng doanh thu lại thấp hơn cùng kỳ 2019 là 1,5%. Trong 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý, chỉ có duy nhất cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có sự tăng trưởng về lưu lượng phương tiện với 527.200 lượt phương tiện lưu thông nếu so với 514.400 lượt phương tiện trong 3 tháng đầu 2019, con số này lại nhỉnh hơn 2,5% về lượng.

Tuy nhiên, bước sang tháng 3/2020, doanh thu thu phí các tuyến đường cao tốc của VEC gần như rơi thẳng đứng so cùng kỳ năm trước, tương đương 15,8% và 16,2%, khiến Tổng công ty hụt thu 58 tỷ đồng doanh thu thu phí.

Đặc biệt, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai và Cầu Giẽ – Ninh Bình bị thiệt hại lớn nhất khi doanh thu thu phí của 2 tuyến này sụt giảm tới 28,6% và 15,4%; tiếp đến là cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây cũng mất tới 13,3% doanh thu so với tháng 3/2019.

“Nguyên nhân là bởi một loạt các hoạt động giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ cũng như nhu cầu đi lại của người dân bị hạn chế nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19”, ông Đỗ Chí Chung, Chánh văn phòng VEC cho biết.

Tại tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, doanh thu thu phí của Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cũng đã giảm từ 25- 30% trong tháng 3/2020.

Nếu tình hình sụt giảm kéo dài từ 1 -2 tháng nữa, phương án tài chính hoàn vốn cho các dự án BOT cao tốc chắc chắn sẽ cần phải xem xét lại do các doanh nghiệp hạ tầng giao thông không phải là đối tượng nhận gói ưu đãi lãi suất từ các tổ chức tín dụng…

TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông phân tích “Dịch bệnh bùng phát khiến cho người dân có xu hướng tạm dừng kế hoạch các chuyến đi nhằm tránh sự lây lan. Cộng thêm với chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ¼ vừa qua thì mọi nhu cầu đi lại của người dân đã được hạn chế tối đa để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, hầu hết các chuyến du lịch hay chuyến đi không cần thiết đều bị hủy bỏ. Khi người dân chọn cách ở nhà thay vì ra đường thì đương nhiên lưu lượng phương tiện trên các tuyến cao tốc sẽ giảm đi”.

Trong vài tháng tới nếu như tình hình vẫn kéo dài, diễn biến dịch Covid-9 tiếp tục phức tạp và các ngành dịch vụ như du lịch, sản xuất, xuất nhập khẩu… vẫn chưa thể phục hồi được thì lưu lượng xe qua các tuyến quốc lộ sẽ vẫn giảm.

Vì vậy, theo chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào phân tích, khi lưu lượng phương tiện và giá phí không tăng, doanh thu thu phí bị hụt so với phương án tài chính, doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục bù lỗ điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sự tồn tại của doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu để tình trạng này diễn ra lâu sẽ đẩy doanh nghiệp, nhà đầu tư BOT vào thế khó. Nếu doanh thu thu phí ở mức thấp trong thời gian dài đương nhiên sẽ không bảo đảm cho công tác hoàn vốn của dự án, từ đó phương án tài chính của dự án hoàn toàn có thể vỡ. Lúc này sẽ phải tính đến việc điều chỉnh mức giá thu phí hoặc thời gian thu phí để bảo đảm dự án hoàn vốn.

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics; không thanh tra ngoài kế hoạch; phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, đề xuất giãn, giảm phí, lệ phí cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý II/2020.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.