Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cà phê Robsuta đã đi lên mức cao nhất trong 16 năm, tăng 1,65% khi khép lại phiên giao dịch ngày 15/1.
Căng thẳng trên Biển Đỏ tiếp tục gia tăng lo ngại về tình trạng vỡ nợ hợp đồng và thiếu hụt nguồn cung trên thị trường trong ngắn hạn.
Giới giao dịch cà phê trên toàn cầu lo ngại về việc căng thẳng trên Biển Đỏ làm giá cước vận chuyển cà phê từ các quốc gia Châu Á sang Mỹ và Châu Âu tăng lên, đồng thời thời gian giao hàng kéo dài. Điều này có thể khiến nông dân tại các nước sản xuất lớn như Việt Nam hạn chế bán cà phê. Do đó, những đơn hàng đã giao dịch trước không được thực hiện đúng thời hạn và nguồn cung trên thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt trong ngắn hạn.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận sáng nay (16/1), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng thêm 600 đồng/kg. Theo đó, giá cà phê trong nước được thu mua quanh mức 70.600 – 71.300 đồng/kg.
Mới đây nhất là thông tin mưa trái mùa đe dọa ngành cà phê Ấn Độ. Không chỉ nổi tiếng là quốc gia sản xuất trà, Ấn Độ cũng là nhà trồng cà phê lớn thứ 8 thế giới, chủ yếu sản xuất hạt Robusta dùng để chế biến cà phê hòa tan.
Hội đồng Cà phê Ấn Độ ước tính sản lượng cà phê của nước này có thể tăng lên 374.200 tấn trong niên vụ 2023/24, bắt đầu từ ngày 1/10, so với 352.000 tấn của niên vụ trước.
Tuy nhiên, nông dân cho biết mưa nhiều có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng sản lượng. Trong khi đó, việc thu hoạch cũng bị chậm lại do thiếu nhân lực, mặc dù người lao động đã được trả mức lương cao hơn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 đạt 171,4 triệu bao, trong khi tiêu thụ ở mức kỷ lục 169,5 triệu bao. Tồn kho cà phê thế giới dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua là 26,5 triệu bao.
Theo báo cáo mới đây của USDA, sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 dự báo đạt 171,4 triệu bao (loại 60 kg/bao), tăng 4,2% tương ứng 6,9 triệu bao so với niên vụ trước.
Sản lượng tăng ở các nước sản xuất cà phê Arabica chủ chốt như Brazil, Colombia và Ethiopia dự kiến sẽ bù đắp cho sự sụt giảm ở Indonesia, một trong những quốc gia sản xuất robusta chính ở khu vực Đông Nam Á.
Với dự báo này, sản lượng cà phê Arabica toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 dự kiến sẽ tăng 9,4 triệu bao lên 97,3 triệu bao. Ngược lại, robusta giảm năm thứ hai liên tiếp xuống còn 74,1 triệu bao so với 76,6 triệu bao của niên vụ trước và là mức thấp nhất trong 4 niên vụ gần đây. Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê toàn cầu dự kiến tăng 8,4 triệu bao so với niên vụ trước lên 119,9 triệu bao, chủ yếu nhờ các lô hàng tăng cường từ Brazil.
Đồng thời, tiêu thụ cà phê toàn cầu dự báo ở mức kỷ lục 169,5 triệu bao trong niên vụ 2023-2024. Tồn kho cuối vụ dự kiến tiếp tục thắt chặt và giảm xuống chỉ còn 26,5 triệu bao, mức thấp nhất trong 12 năm qua.
Sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 dự báo tăng 300.000 bao so với niên vụ trước lên 27,5 triệu bao, với gần 95% trong số đó là cà phê Robusta.
USDA dự báo sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 vào khoảng 26,6 triệu bao, tăng 1,2% so với niên vụ trước; trong khi arabica giảm 11,1% xuống còn 880.000 bao.
Tuy nhiên, tổng nguồn cung của Việt Nam vẫn thấp hơn niên vụ trước do lượng tồn kho trong niên vụ 2022-2023 chuyển sang chỉ đạt 390.000 bao, giảm mạnh từ mức 3,58 triệu bao của niên vụ 2021-2022.
Do đó, xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam được dự báo sẽ giảm 2,4 triệu bao xuống còn 23 triệu bao. Tồn kho cuối niên vụ 2023-2024 dự kiến vẫn ở mức thấp là 359.000 tấn.
USDA dự báo nhập khẩu cà phê nhân của Liên minh châu Âu (EU) sẽ phục hồi và tăng hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước lên mức kỷ lục 47 triệu bao trong niên vụ 2023-2024, chủ yếu do xuất khẩu mạnh hơn từ Brazil. Trong khi nhập khẩu cà phê rang và hòa tan không đổi ở mức 1,4 triệu bao và 3,7 triệu bao.
Nhập khẩu cà phê của EU chủ yếu là cà phê nhân chưa rang, chiếm khoảng 90% tỷ trọng. Các nhà cung cấp hàng đầu của khu vực trong niên vụ 2022-2023 (tháng 10 đến tháng 9) gồm Brazil (32%), Việt Nam (26%), Uganda (7%) và Honduras (6%).
EU đã nhập khẩu kỷ lục 49,1 triệu bao vào niên vụ 2021-2022, nhưng giảm 2,6 triệu bao trong vụ 2022-2023 do nhập khẩu từ Brazil giảm mạnh dù được bù đắp phần nào bởi mức tăng từ Việt Nam.
Việc EU nhập khẩu nhiều cà phê từ Việt Nam và giảm mua từ Brazil, cho thấy các nhà rang xay có xu hướng sử dụng nhiều Robusta hơn. Hai quốc gia này chiếm 54 – 58% tổng lượng cà phê nhân nhập khẩu của EU trong 10 năm qua, để lại thị phần hạn chế cho các nhà cung cấp khác.