Một vài con số sẽ là lát cắt phản ánh rõ bức tranh “đứng hình” địa ốc do nhiều dự án không thực hiện được.

Một dự án đang gặp vướng mắc tại quận 7, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thứ nhất, từ ngày 10/12/2015 (ngày Nghị định 99/2015 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014, có hiệu lực) đến tháng 08/2018, đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị “ách tắc”. Các thủ tục đầu tư dù đã có “Quyết định chủ trương đầu tư” của UBND thành phố, nhưng không làm được thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để làm các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo.

Thứ hai, từ ngày 07/03/2017 (ngày ban hành Văn bản 342/TTg-V.I), đã có 158 dự án nhà ở liên quan đến sử dụng quỹ đất công, đã bị tạm dừng để được rà soát các thủ tục đầu tư đã được thực hiện trước đây. Đến tháng 03/2019, Lãnh đạo cơ quan trung ương và thành phố đã công bố cho phép 124 dự án được tiếp tục hoạt động bình thường, nhưng thực chất nhiều dự án đến nay vẫn chưa hoạt động bình thường.

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không để thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước. Nhưng quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh.

Tổng kết cuối 2018, nguồn cung dự án nhà ở (mới) bị sụt giảm mạnh, giảm 42% số lượng dự án, giảm 40% về số lượng căn hộ so với năm 2017. Số lượng dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn giảm 16,31% về số lượng dự án và giảm 34,14% về số lượng căn nhà so với năm 2017.

Khép lại năm 2019, nguồn cung dự án nhà ở (mới) tiếp tục bị sụt giảm sâu, tương tự như năm 2018.

Có thể thấy tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở, dẫn đến giá nhà đất tăng đem lại lợi nhuận lớn cho các chủ đầu tư có dự án, nhưng lại làm cho khách hàng bị thiệt vì phải mua nhà giá cao hơn. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

Thị trường bất động sản hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng. Thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có “độ trễ”, nếu Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương không có biện pháp xử lý sớm các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, làm cho “giấc mơ tạo lập nhà ở ngày càng xa vời” đối với đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, nhất là giới trẻ mới lập gia đình, mới lập nghiệp.